Động thái của Nhật Bản đã gây ra cơn “sốt” muối ở Trung Quốc, khi nhiều người tiêu dùng lo lắng muối biển có nguy cơ ô nhiễm.
Là một trong những quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã quyết định cấm nhập khẩu tất cả mặt hàng thủy sản từ Nhật Bản sau vụ xả thải. Bắc Kinh cho biết lý do của động thái này là nguy cơ ô nhiễm phóng xạ và sự lo ngại của người tiêu dùng.
Theo hãng tin Reuters và các phương tiện truyền thông khác, một số nhãn hiệu muối đã “cháy hàng” trên các trang giao hàng trực tuyến ở tỉnh ven biển Phúc Kiến, cũng như ở một số khu vực ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Một người dùng mạng xã hội Twitter chia sẻ hôm 24/8: “Thực sự, tôi không cần thiết phải tích trữ muối. Nhưng khi thấy mọi người đổ xô đi mua muối vào sáng nay, tôi đã lặng lẽ đặt mua 10 gói. Tôi chọn muối hồ và muối từ các mỏ muối. Giờ đây, tôi tránh dùng muối biển”.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các kệ hàng muối trong một siêu thị ở Bắc Kinh trống trơn. Truyền thông cho biết cổ phiếu của một số công ty lọc nước mặn đã tăng tới 10%.
Trước tình trạng này, các tập đoàn công nghiệp và chính quyền các tỉnh ven biển Phúc Kiến và Quảng Đông đã lên tiếng trấn an người tiêu dùng. Giới chức thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến khẳng định trên mạng xã hội rằng sẽ đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng và đủ lượng muối thực phẩm dự trữ, đồng thời kêu gọi người dân chỉ nên mua muối với số lượng hợp lý theo nhu cầu.
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Muối Quảng Đông cho biết chính quyền tỉnh có đủ lượng muối dự trữ. Các cuộc thử nghiệm của cơ quan này cũng cho thấy muối biển sản xuất tại địa phương vẫn đảm bảo an toàn. Theo giới chức, 87% sản lượng muối ăn của Trung Quốc tới từ các mỏ muối, 10% tới từ biển và 3% tới từ hồ. Họ nhấn mạnh việc sản xuất muối trong nước không bị ảnh hưởng bởi vấn đề xả thải.
Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Muối Trung Quốc cũng cho rằng nước này có các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Hơn nữa, sản lượng muối trong nước đủ đáp ứng nhu cầu, vì vậy khách hàng không nên tích trữ loại gia vị này.
Theo dữ liệu hải quan, Nhật Bản chiếm chưa đến 4% tổng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc, mặc dù nước này cung cấp toàn bộ mặt hàng cá ngừ vây xanh cho Bắc Kinh.
Sau khi được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cách đây 2 năm và cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc “bật đèn xanh” vào tháng trước, Nhật Bản tuyên bố bắt đầu xả nước thải phóng xạ ra biển Thái Bình Dương. Đây là động thái quan trọng trong quá trình đóng cửa nhà máy Fukushima Daiichi, sau khi cơ sở này bị sóng thần phá hủy vào năm 2011.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối động thái này. Bắc Kinh cho rằng Tokyo đã không chứng minh được tính hợp pháp của việc xả nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Phía Nhật Bản không nên gây ảnh hưởng thứ cấp cho người dân địa phương và thậm chí người dân trên thế giới vì lợi ích của chính mình”.
Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường biển và sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng cường giám sát mức độ phóng xạ trong vùng biển sau khi xả thải.
Về phần mình, Tokyo cho rằng Bắc Kinh đang lan truyền “những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học”.