Bà Chau Mee-heung, 84 tuổi, sống một mình trong căn hộ cho thuê rộng 9 m2 ở khu Lam Tin. Bà Chau mất chồng vì căn bệnh ung thư đại trực tràng năm 2003, một người con của bà qua đời vì hội chứng SARS cùng năm đó.
Hiện người phụ này đang mắc chứng tăng huyết áp và tiểu đường, bà không dám đi ra khỏi nhà do lo sợ dịch bệnh và chỉ còn 5 chiếc khẩu trang. Những ngày này, bà Chau phải thức dậy vào lúc 7 giờ sáng, sau đó hòa vào dòng người để xếp hàng mua khẩu trang dưới tiết trời lạnh. Có những ngày, bà Chau phải về nhà mà không mua được gì.
“Tôi đã đứng hàng giờ cho đến khi đầu gối mỏi nhừ, nhưng khẩu trang đã được bán hết từ lâu trước khi đến lượt tôi”, bà nói. “Nhưng tôi biết làm sao bây giờ? Mắt tôi mờ còn tai thì nghễnh ngãng”.
Bà Chau Mee-heung sống 1 mình trong căn nhà 9 m2. Ảnh: SCMP |
Hiện đang sống nhờ vào khoản trợ cấp phúc lợi hàng tháng của chính quyền, bà Chau nói rằng mình không muốn gây phiền toái cho con trai và con gái lớn.
“Tôi hiểu rằng chúng có những khó khăn riêng. Vì vậy, tôi cố gắng dựa vào bản thân mình nhiều nhất có thể”, bà Chau nói.
Nhưng dịch bệnh bùng phát đã làm cho cuộc sống khó khăn hơn. Vì thiếu khẩu trang, bà Chau không dám vứt bỏ dù thường xuyên vào viện kiểm tra.
Chau từng làm tình nguyện và tham dự các hoạt động xã hội tại những trung tâm cộng đồng. Nhưng khi chính quyền đóng cửa các cơ sở để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bà không còn nơi nào để đi.
“Tôi đang làm quen với việc này. Tôi mong dịch bệnh sẽ mau qua”, bà nói.
Trên toàn cầu, Covid-19 đã giết chết hơn 2.800 người và gây lây nhiễm cho hơn 82.000 người. Tính đến trưa thứ Sáu, Hong Kong đã ghi nhận hơn 90 trường hợp nhiễm bệnh, với 2 trường hợp tử vong.
Trường hợp tử vong vào ngày 19/2 là một người đàn ông 70 tuổi có tiền sử tiểu đường và các vấn đề về thận. Người đàn ông này bị bệnh vào ngày 2/2, nhưng chỉ được đưa đến bệnh viện 10 ngày sau đó, sau khi bị ngã. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông nhiễm Covid-19.
Hong Kong có hơn 152.000 người từ 65 tuổi trở lên và sống một mình. Con số này đã tăng 54,3% so với 98.829 trong năm 2006, theo điều tra dân số năm 2016.
Người bệnh và người già có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất, theo nghiên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc. Theo báo cáo ngày 18/2, tỷ lệ tử vong Covid-19 là 2,3%, nhưng con số này tăng lên 3,6% đối với những người từ 60 đến 69 tuổi, 8% cho những người từ 70 đến 79 và 14,8% cho những người 80 tuổi trở lên.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Joseph Tsang Kay-yan nói rằng người già dễ bị tổn thương hơn người trẻ, vì họ có hệ thống miễn dịch yếu hơn và mắc các bệnh như tiểu đường.
“Không ai nghe thấy tiếng tôi khóc hằng đêm”
Tam Sau-lan, 81 tuổi, cũng sống một mình trong căn hộ cho thuê ở Lam Tin. Chồng bà đã mất hơn 20 năm trước, trong khi hai con trai và hai con gái của bà sống và làm việc tại thành phố Quảng Châu.
Vì không còn khẩu trang, bà đã phải hủy cuộc hẹn nội soi hồi đầu tháng này. Bà Tam đã chờ đợi hơn một năm để được làm nội soi, nhưng với tình hình này bà phải đợi thêm 3 tháng nữa.
“Bốn năm trước, tôi bị ngã và không thể đứng dậy cho đến khi một viên bảo vệ tình cờ nghe thấy tiếng kêu cứu của tôi nửa tiếng sau. Bác sĩ cho biết tôi bị gãy cả tay và chân trái”, bà Tam nhớ lại.
Do chân yếu và phải chống gậy, bà Tam không thể xếp hàng mua khẩu trang.
Người cao tuổi Hong Kong xếp hàng trong nhiều giờ để nhận khẩu trang. Ảnh: SCMP |
“Sống một mình giữa cảnh dịch bệnh khiến tôi cảm thấy bất lực. Đối mặt với 4 bức tường, tất những gì tôi có thể làm là ăn, xem TV và ngủ. Không ai nghe thấy tiếng tôi khóc hằng đêm”, người phụ nữ nói.
Daniel Li Ka-fai, giám đốc dịch vụ của Hiệp hội Người cao tuổi Hong Kong, cho biết người cao tuổi sống một mình trong thành phố đang hết sức hoảng loạn và lo lắng trước tình hình dịch bệnh.
“Việc phải ở trong nhà liên tục khiến họ cảm thấy cô đơn, trong khi chứng kiến cảnh tượng người dân xếp hàng mua khẩu trang và giấy vệ sinh càng làm họ thêm lo lắng”, Li nói. “Chúng tôi lo ngại về trạng thái tinh thần của họ và những rủi ro phát sinh từ những cảm xúc tiêu cực”.
Li nói rằng Hiệp hội của ông đã đình chỉ các hoạt động tại trung tâm của họ kể từ Tết Nguyên đán để giảm thiểu rủi ro nhiễm bệnh. Thay vào đó, các tình nguyện viên và nhân viên xã hội gọi cho những người cao tuổi mỗi ngày và cung cấp dịch vụ giao hàng cho những người có nhu cầu.
Bộ phúc lợi xã hội cũng đã cắt giảm các dịch vụ của mình cho người cao tuổi, với một số tổ chức phi chính phủ theo sau.
“Virus không phải nguyên nhân”
Giáo sư Paul Yip Siu-fai, khoa Xã hội học tại Đại học Hong Kong, cho biết việc đình chỉ các dịch vụ cho người cao tuổi và sự gián đoạn các mối quan hệ xã hội đã phá vỡ cuộc sống của họ.
“Virus corona có thể không giết chết họ, mất đi các giao tiếp xã hội mới là nguyên nhân chính”, ông Yip chỉ ra.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam cho biết vào ngày 14/2 rằng chính quyền sẽ cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp khẩu trang cho các trại dưỡng lão cũng như người khuyết tật, và phân bổ 1,6 triệu khẩu trang từ các nhà tài trợ cho những người yếu thế thông qua các tổ chức phi chính phủ.
Nhà lập pháp Đảng Lao động Fernando Cheung Chiu-hung nói rằng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi nên được tăng cường trong thời gian này, thay vì cắt bỏ.
Ông cũng kêu gọi các cơ quan dịch vụ xã hội duy trì liên lạc với cao tuổi thông qua việc gọi điện hoặc liên lạc trên mạng.
“Họ bị mắc kẹt ở nhà và thiếu thốn nhiều thứ. Họ cảm thấy không an toàn và bị cô lập”, ông Cheung nói.