Người Nhật Bản đổ xô đi mua iPhone cũ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Người dân Nhật Bản thường có xu hướng mua các thiết bị công nghệ mới tiên tiến nhất. Tuy nhiên, việc đồng yên trượt giá đã khiến một bộ phận người Nhật không thể mua phiên bản iPhone mới ra mắt, kéo theo trào lưu buôn bán sản phẩm công nghệ cũ tại một trong những thị trường lớn nhất của Apple tại khu vực.
Người Nhật Bản đổ xô đi mua iPhone cũ

Đồng nội tệ Nhật Bản hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 32 năm qua so với đồng USD, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng tại quốc gia sở hữu nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Giới quan sát nhận định người dân Nhật Bản đã cởi mở hơn với việc mua lại mặt hàng điện thoại cũ khi nhiều trang mua sắm đấu giá trực tuyến xuất hiện trong thời gian gần đây.

Apple đã đưa ra quyết định tăng giá sản phẩm iPhone 13 lên gần 1/5 vào tháng 7 vừa qua. Dòng iPhone 14 được ra mắt tại Nhật với mức giá cao hơn 20% so với thế hệ iPhone 13, trong khi đó sản phẩm này được chào bán ở Mỹ với mức giá không đổi 799 USD. Trong khi đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới trong năm nay, đồng yên đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với mức giảm lên đến 22%.

Anh Kaoru Nagase, một nhân viên văn phòng người Nhật, rất muốn được sở hữu chiếc điện thoại iPhone 14 mới ra mắt nhưng không đủ khả năng tài chính, bởi mức giá thấp nhất cho dòng sản phẩm thế hệ mới này lên đến 119.800 yên (814 USD). Thay vào đó, anh đã quyết định mua một chiếc iPhone SE 2 đã qua sử dụng tại khu vực Akihabara, chuyên mua bán dòng sản phẩm đồ điện tử ở Thủ đô Tokyo, với mức giá chỉ bằng một phần ba giá bán niêm yết trên thị trường.

“Với giá hơn 100.000 yên, chiếc iPhone 14 quá đắt đỏ, tôi không có đủ tiền để mua nó. Đó sẽ là mức giá chấp nhận được nếu như tuổi thọ pin dùng được trong 10 năm”, anh Nagase chia sẻ. Theo quan điểm của anh, dù được ra mắt từ năm 2020 và không có cụm camera kép phía sau như dòng iPhone 14, nhưng iPhone SE 2 là một sự "lựa chọn tốt" cân bằng giữa hai yếu tố chi phí và tính năng.

Apple đã từ chối bình luận về câu chuyện này. Tuy nhiên, theo một báo cáo tài chính được công bố hàng năm vào tháng trước, doanh số bán hàng của hãng này tại Nhật Bản đã giảm 9% tính đến ngày 24/9, do bị ảnh hưởng bởi đồng yên liên tục giảm mạnh trong thời gian vừa qua.

Trong một phát biểu hồi tháng trước, Giám đốc tài chính của Apple Luca Maestri cũng đã thừa nhận rằng việc đồng USD tăng mạnh khiến hãng này buộc phải đưa ra quyết định tăng giá sản phẩm ở một số quốc gia. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của Apple được ghi nhận tại Indonesia, Việt Nam và các thị trường khác vẫn tăng trưởng ở mức hai con số, bất chấp sự chênh lệch tỷ giá tiền tệ.

Theo Viện Nghiên cứu Thị trường Công nghệ MM, quy mô thị trường buôn bán điện thoại thông minh đã qua sử dụng tại Nhật Bản tăng gần 15%, lên mức kỷ lục 2,1 triệu chiếc trong năm tài chính vừa qua và có khả năng sẽ đạt 3,4 triệu chiếc vào năm 2026.

Anh Taishin Chonan, 23 tuổi, lựa chọn mua một chiếc iPhone 13 đã qua sử dụng có độ phân giải cao hơn, pin và camera tốt hơn, thay thế chiếc iPhone 7 cũ bị nứt màn hình nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân. “Từ trước đến giờ tôi chỉ mua điện thoại mới, đây là lần đầu tiên tôi mua một chiếc điện thoại đã qua sử dụng. Các dòng sản phẩm thế hệ mới bây giờ rất đắt tiền”, anh Taishin cho biết.

Theo số liệu thống kê của viện MM hồi tháng 9, dù Apple công bố quyết định tăng giá, nhưng iPhone 14 được bán ra tại Nhật Bản vẫn ở mức rẻ nhất trong số 37 quốc gia được khảo sát khi chưa tính thuế. Việc đồng yên tiếp tục suy yếu nhiều khả năng sẽ khiến Apple một lần nữa điều chỉnh tăng giá bán trong thời gian tới, động thái này sẽ làm thu hẹp 50% thị phần của hãng trên thị trường điện thoại thông minh Nhật Bản.

Giám đốc điều hành Belong Inc Daisuke Inoue, đơn vị thuộc chuỗi kinh doanh Itochu Corp chuyên bán điện thoại và máy tính bảng đã qua sử dụng, cho biết những chiếc điện thoại iPhone thế hệ mới nhất hiện có giá trên 100.000 yên. Ông Inoue cho biết, sau khi Apple quyết định tăng giá bán hồi tháng 7, doanh số bán hàng trên trang thương mại điện tử Nicosuma của Belong đã tăng gấp 3 lần so với mức trung bình ghi nhận trong ba tháng trước đó.

Các lô hàng điện thoại đã qua sử dụng của Belong thường sẽ được phân loại kỹ càng trước khi tiến hành khâu kiểm tra, chọn lọc và vệ sinh. Sau đó, những chiếc điện thoại này sẽ được chụp hình từ nhiều góc và rao bán trên mạng cũng như các nền tảng thương mại điện tử. Ông Inoue cho biết Belong sử dụng mạng lưới toàn cầu của Itochu để giao dịch các thiết bị đã qua sử dụng ở cả Nhật Bản và nước ngoài sao cho thu về mức giá tốt nhất.

Trước đây, người dân Nhật Bản thường có xu hướng cảnh giác, né tránh những mặt hàng đồ cũ, đã qua sử dụng, đặc biệt là những sản phẩm đồ điện tử, tuy nhiên, truyền thống này dường như đang dịch chuyển, thay đổi theo hướng ngược lại.

Người phát ngôn doanh nghiệp Mercari Inc cho biết, trang web giao dịch thương mại của công ty này ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán điện thoại thông minh đã qua sử dụng cao kỷ lục, doanh số bán các sản phẩm thiết bị gia dụng và điện tử cũng đồng loạt tăng cao.

Chuỗi bán lẻ Iosys Co Ltd cho biết ​​lượng khách du lịch nước ngoài tìm đến các cửa hàng của đơn vị này mua những chiếc iPhone đã qua sử dụng tăng vọt trong hai tháng qua. “Hiện nay, đồng yên vẫn tiếp tục suy yếu. Xu hướng du khách đến thăm Nhật Bản và mua iPhone đang dần quay trở lại”, ông Takashi Okuno, Giám đốc điều hành Iosys, nhận định.

Việc Nhật Bản mở cửa trở lại sau đại dịch COVID–19 và đón lượng lớn khách du lịch nước ngoài cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường mua bán iPhone cũ mở rộng tại nước này. Theo tỷ giá hiện nay, 1 USD quy đổi sẽ tương đương với 147 yên.

Theo Reuters
Cận cảnh vị trí nơi trước đây từng tồn tại 02 bức tường ngăn cách lối đi riêng giữa hộ gia đình ông Cường và bà Loan.
Người dân “gặp khó” khi thực hiện theo chỉ đạo của chính quyền?
(Ngày Nay) - Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của UBND phường Kim Mã, đó là phục hồi nguyên trạng bức tường ngăn cách giữa hai hộ đã bị hàng xóm phá sập trong quá trình xây dựng nhà, gia đình ông Nguyễn Phi Cường đã bị hàng xóm ngăn cản, chửi bới, thậm chí đe doạ tính mạng. Chính quyền địa phương dù đã nắm được sự việc, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để…
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân. Ảnh: 123rf
Tỉ lệ phụ nữ Hàn Quốc chọn sống độc thân ngày càng cao
(Ngày Nay) - Ở bất cứ đâu, việc tìm kiếm một nửa để đồng hành suốt cuộc đời đều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, giới trẻ Hàn Quốc lại càng cảm thấy khó khăn hơn khi những tiêu chuẩn về một người bạn đời lý tưởng ngày càng cao, trong khi cơ hội để gặp gỡ và tìm hiểu nhau lại khá hạn chế.