Từ ngày 4/5, học sinh cả nước bắt đầu trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19. Theo ghi nhận của Zing, những ngày đầu trở lại lớp học, các trường đều chú ý phân luồng, kiểm tra y tế cho học sinh, thậm chí nhiều trẻ được trang bị nón che giọt bắn khi đi học.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: "Học sinh mang nón che giọt bắn liên tục khi đến trường là không cần thiết". Trong lớp học, trẻ ngồi theo một hướng cố định, nón che giọt bắn lúc này cũng không có tác dụng nhiều. Thậm chí, các em có thể đùa nghịch làm kính tấm chắn gãy, dẫn đến nhiều tình huống ngoài ý muốn khác.
Nón che giọt bắn chỉ phát huy hiệu quả và thật sự cần thiết trong trường hợp mặt đối mặt, giao tiếp trực tiếp. Việc mang khẩu trang, rửa tay đúng cách và không đưa tay lên vùng mũi, miệng mới là cách phòng ngừa quan trọng và tốt nhất.
Bác sĩ này còn cho biết việc mang nón che giọt bắn trong thời gian dài rất khó chịu. Học sinh không sử dụng quen sẽ đổ mồ hôi, ảnh hưởng đến mắt do trẻ thấy khó chịu nên dễ dùng tay để chạm vào mắt thường xuyên, đặc biệt là các em có đeo kính cận. Trong khi đó, việc dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng là hành động cần tránh để phòng ngừa lây nhiễm virus.
Bác sĩ Tăng Hồng Châu, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn, cho biết ông lo ngại về chất lượng của miếng nhựa plastic của chiếc nón che giọt bắn. Miếng nhựa này vốn không hoàn toàn trong suốt nên việc đeo liên tục để làm việc, học tập, thị lực sẽ không đạt 100%.
Khi học sinh đeo dụng cụ này trong thời gian dài, mắt có thể luôn trong tình trạng căng thẳng do phải điều tiết nhiều, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến bộ phận này.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Tuổi Trẻ, TS.BS Phí Duy Tiến - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM cho rằng, học sinh phải nhìn qua tấm nhựa này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mắt của trẻ, nhất là đối với những học sinh tiểu học, lứa tuổi đang hình thành thị giác.
Theo BS Tiến, miếng nhựa này có chỗ thẳng, có chỗ cong nên khi trẻ nhìn qua sẽ bị biến dạng hình ảnh. Mới đầu trẻ sẽ bị mỏi mắt, sau đó có thể bị đau đầu, cận thị… Đối với những trẻ bị loạn thị, viễn thị… cần phải đeo kính suốt ngày để phát triển thị giác nhưng nếu phải đeo miếng nhựa này sẽ chậm trễ, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình phát triển thị giác của những trẻ này, không thể phát triển thị lực được nữa.
BS Phan Xuân Trung - Trung tâm Y Khoa MEDIC cho rằng, trong tình hình dịch bệnh nước ta đã được kiểm soát như hiện nay, việc cho các cháu nhỏ đeo khẩu trang kín mít trong nhiều giờ, trong nhiều ngày là không nên. Vì có thể đeo như vậy trong một thời gian các bé lại bị nhiễm trùng hô hấp do các mầm vi trùng, vi nấm trong sợi vải khẩu trang...