Theo báo cáo về tình trạng sử dụng ma túy trên thế giới của Liên Hợp Quốc 2019 cảnh báo rằng châu Âu và châu Phi, cùng với Bắc Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của "cái chết trắng".
Mặc dù tài liệu mới nhất cho biết sản lượng thuốc phiện của thế giới trong năm 2018 đã giảm so với mức cao nhất trong lịch sử được thiết lập vào năm 2017, nhưng con số hiện vẫn lớn thứ hai trong thập kỷ qua và lên tới 7.790 tấn.
Ba quốc gia hiện đang thống trị ngành sản xuất thuốc phiện bao gồm: Afghanistan, Mexico và Myanmar. Theo báo cáo của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) giai đoạn 2015-2016 và 2016-2017 được công bố trong năm 2018, hoạt động trồng thuốc phiện ở Mexico đã tăng dần từ 6,900 ha trong năm 2007 lên 30,600 ha vào năm 2017.
Nguyên nhân khiến giới tội phạm Mexico đẩy mạnh diện tích trồng cây anh túc là do nhu cầu tiêu thụ khổng lồ tới từ người láng giềng phía bắc. "Mỹ là nước tiêu thụ thuốc phiện lớn nhất thế giới và các tổ chức tội phạm Mexico đang là nhà cung cấp chính cho thị trường này", Inés Giménez, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Mexico (UNAM), cho biết.
Tuy nhiên, khi phân tích sự tăng trưởng của sản lượng thuốc phiện trên lãnh thổ Mexico, các yếu tố khác phải được tính đến. Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994 đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp Mexico. Trợ cấp bị hủy bỏ, các mức thuế quan dần bị bãi bỏ gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của các hộ nông dân. Nhiều gia đình đã lựa chọn cây anh túc thay cho các loại cây lương thực và hoa màu khác.
Tới những năm 2000, nước Mỹ thắt chặt kiểm soát việc người dân sử dụng các loại thuốc giảm đau khiến nhiều người bắt đầu thay thế dược phẩm bằng heroin, ông Giménez giải thích.
Điều này đã khiến thị trường heroin tại Bắc Mỹ bùng nổ. Các cánh đồng cần sa trước đây dần bị thế chỗ bởi anh túc nhằm phục vụ cho nhu cầu cực lớn từ Mỹ.
"Một lý do khác khiến cây thuốc phiện được trồng rộng rãi ở Mexico là do quy định của thị trường cần sa tại Mỹ. Ngay khi Mỹ không còn cần nguồn cung bất hợp pháp, người tiêu dùng đã ngừng mua hàng từ Mexico", nhà nghiên cứu cho biết.
Theo ông Giménez, anh túc hiện là cây trồng chủ lực đối với nhiều hộ nông dân. Mặc cho các án phạt tù, nhiều người vẫn bí mật trồng loại cây này. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh mặt hàng này hết sức nguy hiểm do các băng đảng thường xuyên tranh chấp với nhau để trở thành nhà cung cấp chính.
Vào tháng 8 năm 2018, Quốc hội của bang Guerrero, nơi có sản lượng thuốc phiện cao nhất ở Mexico, đã phê chuẩn một dự luật để điều chỉnh việc trồng cây thuốc phiện. Để dự luật này có hiệu lực, nó phải trải qua quá trình xem xét, sửa đổi và phê duyệt của cơ quan lập pháp liên bang.
"Các cuộc thảo luận đã được bắt đầu và đang diễn ra trong bối cảnh Tòa án Tối cao phán quyết ủng hộ việc trồng và tiêu thụ cần sa cho mục đích giải trí", ông Giménez nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đứng ra ủng hộ việc hợp pháp hóa sản xuất thuốc phiện, nhất là đối với các băng đảng ma túy, vốn chủ trương giữ công việc làm ăn này trong bí mật.
"Kinh doanh bất hợp pháp mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các băng đảng. Có một chút ngây thơ khi nghĩ rằng một vài quy định đơn thuần sẽ làm giảm mức độ bạo lực trong thị trường này" , nhà nghiên cứu kết luận.