Nhà thơ Lý Đợi lần thứ 2 “kết hôn với chính mình”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giữa cuối tháng 3/2025, nhà thơ Lý Đợi “mời mua sách ủng hộ” thì đầu tháng 5/2025 anh đã rao bán sách đợt hai. Lý Đợi cho biết vừa bán vừa tặng, mà tặng có lẽ cũng ngang ngửa với bán, đã được cỡ 1.000 cuốn.
Nhà thơ Lý Đợi sinh năm 1978 tại Quảng Nam, hiện làm việc tại báo Thể thao & Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam ở TPHCM
Nhà thơ Lý Đợi sinh năm 1978 tại Quảng Nam, hiện làm việc tại báo Thể thao & Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam ở TPHCM

Tập tạp văn Kết hôn với chính mình được NXB Đà Nẵng cấp phép ấn hành, đây là một trong số sách hiếm hoi xuất bản trong nước ký tên Lý Đợi, anh còn có bút danh khác là Như Hà. Tự phát hành sách của mình là cách được nhiều tác giả lựa chọn trong tình hình sách văn học trong nước hiện nay in chỉ 500-1.000 bản nhưng lại rất khó khăn để được người đọc lựa chọn.

Lý Đợi giới thiệu về cuốn sách mới này: “Tập tạp văn này tập nói về những chuyện phức tạp bằng lối hành văn đơn giản và ngắn gọn nhất có thể, đa số dài dưới 800 chữ, cần dưới 5 phút để đọc hết. Sách dày 196 trang, vì vậy đề giá 196 ngàn, mỗi trang 1 ngàn đồng. Theo báo giá của nhà in, phải bán ít nhất 300 quyển (đã bao gồm phí bưu phẩm gửi sách trong nước) thì mới hy vọng đủ tiền in. Nay mạnh dạn đề nghị bạn hữu thương quý và bạn đọc xa gần động viên, ủng hộ, cổ vũ… bằng việc mua sách trước. Hoàn toàn có thể chuyển khoản nhiều hơn giá bìa, tác giả sẽ không thắc mắc, mà chỉ thấy hoan hỷ. Giấy phép sách này in ngàn quyển, nhưng bán được đến đâu thì in đến đó, in chừng 500-700 quyển đã là vui rồi”.

Nhà thơ Lý Đợi lần thứ 2 “kết hôn với chính mình” ảnh 1

Tập tạp văn "Kết hôn với chính mình"

Đọc sách cũng như thưởng thức các loại hình nghệ thuật khác, như xem bóng đá hay nếm món ăn, mỗi người tự cảm nhận trực tiếp hơn là thông qua “bộ lọc” của người khác vì như thế sẽ giảm đi mùi vị, xúc cảm của chính mình.

Kết hôn với chính mình được viết với tinh thần của dân Quảng Nam “tôi cãi, nghĩa là tôi tồn tại” mà Lý Đợi đã theo đuổi lâu nay trong nhiều cuốn sách của anh. Trên tinh thần đó, Lý Đợi đưa ra nhiều góc nhìn mới so với những “mặc định” đã được nhiều người thừa nhận như một lẽ đương nhiên.

Ví dụ trong bài “Không có nhà thơ nào tên Nguyễn Du”, Lý Đợi lập luận: “Đầu tiên, dù có một ông Nguyễn Du (3/1/1766 – 16/9/1820) ở đời thực, từng làm quan đến chức Chánh thủ hiệu (Thái Nguyên) thời nhà Lê, chức Lễ bộ hữu tham tri và chức Chánh sứ thời nhà Nguyễn; làm thơ chữ Hán và chữ Nôm, viết truyện thơ, văn chiêu hồn, văn tế…; nhưng sinh thời ông chưa bao giờ ký tên là Nguyễn Du, vì đây là tên cúng cơm trong gia đình, ngay cả ra chốn quan trường cũng rất ít khi dùng đến. Do tôn trọng, người xưa thường tránh viết tên riêng/tên cúng cơm, chỉ ghi hiệu hoặc chức vụ, tước phong… cộng với họ. Ví dụ bản in năm Thành Thái – Bính Ngọ (1906) thì ghi Tiên Điền, Lễ tham Nguyễn tiên sinh soạn truyện, tức chỉ ghi họ Nguyễn và chức vụ, không ghi tên Du. Cho nên, Nguyễn Du là cách gọi của người đời sau, chắc phải từ bản Truyện Thúy Kiều do Trương Vĩnh Ký phiên âm Quốc ngữ năm 1875, rồi phổ biến cách gọi tên Nguyễn Du từ sau khi thời nhà Nguyễn (1945) kết thúc.

Chứ Nguyễn Du tên tự là Tố Như, ông dùng trong các giao tế đời sống, công việc. Đến cuối thập niên 1960, nhà thơ Quách Tấn mới tập hợp những bài thơ có tinh thần hoặc tên gọi Tố Như để in thành tập Tố Như thi (Thơ của Tố Như). Chứ sinh thời Nguyễn Du cũng chưa có bản thảo thơ, hoặc tập thơ nào ký tên Tố Như cả”.

Cái “tôi cãi” của Lý Đợi không chỉ là cãi với thiên hạ, đúng hơn anh đang cãi với chính mình, cãi với những gì mình được đọc, được học trong nhà trường, học từ sách vở và cuộc đời. Và Kết hôn với chính mình có lẽ được đặt tên với ngụ ý có hai con người gồm một chồng một vợ trong một con người. Mà, vợ chồng nào trên cõi đời này chưa từng cãi nhau?!

Còn nhớ, năm 2004, Lý Đợi từng gây chú ý với một sự kiện có phần “kỳ lạ” và mang đậm tính nghệ thuật trình diễn: anh tổ chức đám cưới với chính mình tại TPHCM. Đây không phải là một hành vi mang tính pháp lý hay hôn nhân thực sự, mà là một hình thức nghệ thuật trình diễn (performance art) nhằm truyền tải các thông điệp về cái tôi, sự cô đơn, và sự phi lý trong đời sống xã hội hiện đại.

Tại “lễ cưới” diễn ra tại một quán cà phê nghệ thuật, có cả bánh cưới và khách mời, Lý Đợi mặc vest, tổ chức nghi thức đầy đủ, tuyên bố “kết hôn với chính mình”. Theo lời anh chia sẻ, đây là một cách phản kháng xã hội, phản ánh sự lạc lõng, cô đơn, đồng thời là một tuyên ngôn cho sự tự do sáng tạo và quyền tự quyết cá nhân.

Năm 2004 đó Lý Đợi chưa lập gia đình nên anh trình diễn tự mình cưới chính mình, còn bây giờ, sau nhiều năm anh có vợ, có con thì thiết nghĩ không cần phải trình diễn nữa, bởi những sự “lạc lõng, cô đơn” đã không còn và thậm chí việc cãi nhau cũng không cần phải tưởng tượng.

Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Tháng 1/2025, phát biểu tại lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ IX, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra dấu mốc đặc biệt “năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng đồng hành cùng sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam”.