Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko - biểu tượng đoàn kết của Nhật Bản

(Ngày Nay) - Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko từng đến thăm nhiều cơ sở phúc lợi và những vùng gặp thiên tai để thăm hỏi người dân.
    Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Sách Their Majesties the Emperor and Empress of Japan
    Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Sách Their Majesties the Emperor and Empress of Japan

    Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko dự kiến thăm Việt Nam một tuần, bắt đầu vào ngày 28/2, nhằm thúc đẩy thiện chí quốc tế.

    Nhật hoàng Akihito lên ngôi ngày 7/1/1989, là nhà vua thứ 125 của Nhật Bản sau khi Nhà vua Hirohito (Nhật hoàng Chiêu Hòa) qua đời. Lễ lên ngôi được tổ chức vào ngày 12/11/1990 tại hoàng cung.

    Nhà vua Akihito sinh ngày 23/12/1933, học khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Gakushuin. Ngoài ra, ông cũng theo học các chương trình đào tạo đặc biệt về lịch sử, luật pháp Nhật Bản và các lĩnh vực khác.

    Ngày 10/4/1959, Thái tử Akihito cưới Michiko Shoda, con gái của một doanh nhân. Hơn 500.000 người đổ ra đường để chào mừng sự kiện này.

    Hoàng hậu Michiko, sinh ngày 20/10/1934, là nữ thường dân đầu tiên trở thành hoàng hậu Nhật Bản. Bà tốt nghiệp thủ khoa Văn học Anh, Trường Đại học Thánh Tâm vào năm 1957. Nhà vua và Hoàng hậu có ba người con là Thái tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako.

    Nhật hoàng thực hiện những hoạt động nhà nước được quy định trong hiến pháp, như bổ nhiệm thủ tướng và chánh án tòa án nhân dân tối cao, phê chuẩn việc bổ nhiệm các bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác, triệu tập quốc hội, công bố luật và các điều ước. Nhà vua trao tặng tước hiệu, phê duyệt quốc thư trao cho các đại sứ Nhật đi nhiệm kỳ ở nước ngoài, đồng thời nhận trình quốc thư của các đại sứ nước ngoài đến Nhật Bản. Trong các vấn đề quốc sự, Nhà vua thực hiện các hoạt động dựa trên sự tư vấn và chấp thuận của chính phủ, theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.

    Kể từ khi lên ngôi năm 1989, Nhà vua cùng với Hoàng hậu đã thực hiện nhiều công việc chính thức như một biểu tượng quốc gia và đoàn kết dân tộc. Trong hoàng cung, Nhà vua và Hoàng hậu tổ chức hàng trăm buổi lễ, tiếp kiến, tiệc trà, tiệc trưa và tiệc tối trong suốt cả năm. Vào những dịp này, Nhà vua gặp gỡ nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm quan chức chính phủ, lãnh đạo từ các địa phương, doanh nhân, nông dân, ngư dân, cán bộ làm công tác xã hội và phúc lợi, học giả và nghệ sĩ.

    Nhà vua và Hoàng hậu đã đi thăm tất cả 47 tỉnh thành và nhiều đảo ở vùng xa của Nhật Bản. Ông bà đặc biệt quan tâm đến vấn đề phúc lợi và đã đi thăm hơn 400 cơ sở phúc lợi dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật trên khắp nước Nhật.  

    Nhà vua và Hoàng hậu còn đến thăm những vùng bị thiên tai tàn phá, an ủi các nạn nhân và động viên nhân viên cứu hộ. Trong trận động đất sóng thần năm 2011, làm hơn 20.000 người chết và mất tích, ông bà đã đến thăm các trung tâm sơ tán, những nơi bị thiên tai phá hủy trong suốt 7 tuần liền từ tháng 3 đến tháng 5.

    Hàng năm, noi theo gương vua cha, Nhà vua Akihito tự mình trồng và thu hoạch lúa. Hoàng hậu nuôi tằm bằng lá dâu tại trung tâm nuôi tằm hoàng cung với sự giúp đỡ của nhiều nhân lực. Mỗi mùa xuân, Hoàng hậu bắt đầu nuôi từ 120.000 đến 130.000 con tằm, chăm sóc chúng trong suốt hơn hai tháng và thu hoạch khoảng 150 kg kén tằm vào đầu mùa hè. Một số tơ này được dùng để phục hồi lại những trang phục cổ có giá trị lịch sử được hoàng gia giữ gìn từ thế kỷ thứ 8.

    Nhiều năm qua, Nhà vua đã nghiên cứu phân loại các loại cá bống. Nhật hoàng Akihito đã phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ (khi làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970) và đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên) năm 1974. Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản tại bảo tàng và Nhà vua sẽ thăm bảo tàng trong thời gian ở Hà Nội.

    Hoàng hậu Michiko quan tâm đến nghệ thuật và đặc biệt hiểu biết sâu sắc về văn học cổ điển Nhật Bản. Bà cũng chú ý đến văn học thiếu nhi và đóng góp vào lĩnh vực này. Cuốn truyện tranh "Ngọn núi đầu tiên của tôi", nội dung do Hoàng hậu sáng tác, được xuất bản năm 1991. Bà cũng đóng góp vào lĩnh vực dịch thuật. Bà đã dịch 80 bài thơ của Michio Mado, được biết đến là nhà thơ của thiếu nhi.

    Hoàng hậu rất yêu thích âm nhạc. Bà chơi piano và là người đệm đàn rất ăn ý cho Nhà vua, người chơi cello và cho Thái tử, người chơi viola và violon.

    Nhà vua và Hoàng hậu sáng nào cũng dậy sớm, đi bộ trong rừng và vườn của Hoàng cung. Ngày cuối tuần, nếu có thời gian, Nhà vua và Hoàng hậu chơi tennis, môn thể thao yêu thích của mình.

    Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua và Hoàng hậu đã đi thăm chính thức 26 nước, trong tổng số 57 nước đã đặt chân đến.

    Reuters viết rằng Nhà vua Akihito là người xoa dịu nỗi đau chiến tranh của người dân Nhật Bản sau Thế chiến II và đưa hoàng gia đến gần dân chúng hơn.

    "Ông Akihito rất được công chúng yêu mến", Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Nhật Bản, cho biết. "Ông được gọi là nhà vua của nhân dân".

    Theo Vnexpress
    Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
    Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
    (Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
    Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
    Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
    (Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
    Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
    Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
    (Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.