Đại hội VIII năm 1956 đã loại bỏ Tư tưởng Mao Trạch Đông khỏi Điều lệ Đảng theo chỉ thị của chính vị lãnh tụ. Đến Đại hội XIV năm 1992, Trung Quốc quyết định sử dụng thuật ngữ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, xác lập lại đường lối, chính sách kinh tế sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Năm 2002, Đại hội XVI đưa vào Điều lệ Đảng thuyết “Ba đại diện”, mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động, phát triển. Trong nhiều thập kỷ qua, các kỳ Đại hội Đảng của Trung Quốc đều chứng kiến sự chuyển giao quyền lực có trật tự và hòa bình giữa các thế hệ lãnh đạo, đây là thành quả mà không phải hệ thống chính trị nào trên thế giới cũng có thể đạt được.
Tại Đại hội XX, Trung Quốc dự kiến sẽ xem xét cải tổ công tác nhân sự, cũng như các báo cáo về những vấn đề quan trọng, qua đó thể hiện được sự thống nhất, tính kỷ luật trong Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm nhiệm kỳ thứ ba. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tới, Trung Quốc được cho là sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như suy giảm tăng trưởng kinh tế, căng thẳng địa chính trị, tình hình bất ổn cả trong nước và quốc tế.
Nếu ông Tập tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc, các chính sách của Bắc Kinh dường như sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể, bởi sau một thập kỷ nắm quyền, những quan điểm, tư tưởng, đường lối của ông Tập gần như đã bộc lộ rõ. Mối quan hệ song phương với Mỹ và Nga, vấn đề Đài Loan, quan hệ nhà nước - thị trường, các công cụ quản lý kinh tế - quan điểm của Trung Quốc về những vấn đề căn bản này nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ thay đổi hay điều chỉnh nào kể cả trong và sau Đại hội năm nay.
Mục tiêu của Đại hội XX không phải là giới thiệu đường lối, chủ trương, chính sách hay cách tiếp cận mới trong công tác lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà nhằm ổn định lòng dân và thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng nước này kiên định và thống nhất theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa dưới thời ông Tập Cận Bình.
Quyền lực tuyệt đối
Kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra là ông Tập tiếp tục đảm nhận cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại những nỗ lực nhằm hạn chế quyền lực của một cá nhân, cũng như bảo đảm quy hoạch thế hệ lãnh đạo kế nhiệm mà Trung Quốc luôn theo đuổi sau khi Tổng Bí thư Mao Trạch Đông thôi nắm quyền.
Mặc dù chưa có bất kỳ quy định chính thức nào về việc này, nhưng những nỗ lực trên luôn được thúc đẩy vì lợi ích lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc xoá bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước, giới quan sát cho rằng quốc gia tỷ dân này sẽ chỉ có nhà lãnh đạo mới khi và chỉ khi ông Tập rời nhiệm sở.
Một số người thậm chí còn gắn cho ông danh hiệu “người nắm quyền trọn đời”. Đây không phải là một viễn cảnh tiêu cực của Trung Quốc, nhưng việc một cá nhân duy trì sức ảnh hưởng quá lớn trong một thời gian dài cũng đặt ra nhiều vấn đề. Việc nắm quyền lực tuyệt đối rất dễ khiến cho con người ta bị chi phối và đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, có lẽ với nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không ngoại lệ.
Trước hết, đối với Trung Quốc, một nhà lãnh đạo nắm quyền trong thời gian dài cũng khiến bộ máy quản lý nhà nước bị già hoá, thiếu tính mới và tính thích nghi với hoàn cảnh. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tình hình mới.
Ở góc độ quan hệ quốc tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, duy trì lực lượng quân đội mạnh nhất toàn cầu và sở hữu một kho vũ khí hạt nhân đáng kể. Nếu như tiếp tục tại nhiệm, ông Tập nên thận trọng trong những quyết định của mình bởi bất kỳ tính toán sai lầm nào, đặc biệt là vấn đề Đài Loan, cũng gây ra thiệt hại và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ với nước này mà còn với cả thế giới.
Công tác nhân sự
Ngoài vị trí của ông Tập, Đại hội XX nhiều khả năng sẽ có những thay đổi lớn về mặt nhân sự. Danh sách Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương mới chắc chắn sẽ tác động đến quá trình xây dựng, phát triển và thực thi đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia này.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương, Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, hai quan chức đứng đầu ngành ngoại giao của Trung Quốc, có thể sẽ nghỉ hưu sau Đại hội XX. Ngành ngoại giao Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được dẫn dắt bởi những gương mặt mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng sau những thay đổi lớn về nhân sự, khả năng giải quyết các vấn đề bằng phương thức ngoại giao của Trung Quốc sẽ ngày càng bị hạn chế, thu hẹp hơn. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Công tác Chính trị Quân uỷ Trung ương Miêu Hoa được cho là sẽ đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương.
Ở lĩnh vực kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Hà Lập Phong, một đồng minh lâu năm của ông Tập, nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Lưu Hạc. Với phương án nhân sự này, Trung Quốc dường như vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn. Các chính sách kinh tế dưới sự lãnh đạo của ông Hà sẽ tiếp tục ưu tiên chương trình nghị sự của ông Tập ở các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, cũng như nỗ lực tự chủ ở các ngành có nguy cơ bị ảnh hưởng, gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những động thái của chính phủ Mỹ trong thời gian gần đây nhằm hạn chế nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới tiếp cận ngành sản xuất chip và các lĩnh vực liên quan đã tạo xung lực khiến ông Tập quyết tâm đẩy mạnh việc thiết lập một “pháo đài Trung Quốc”.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc lựa chọn các quan chức có năng lực, độc lập và theo khuynh hướng thực dụng nắm giữ những vị trí chủ chốt tại Đại hội XX chưa chắc đã mang lại những thay đổi lớn đối với nền chính trị nước này. Các quyết định nhân sự có tác động như thế nào cần phải được nhìn nhận ở một góc độ rộng hơn, bởi nhiều khả năng ông Tập vẫn sẽ tiếp tục đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Trung Quốc trong nhiệm kỳ tới.
Nếu ông Uông Dương (Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc - Chính Hiệp), một thành viên Thường vụ Bộ Chính trị có tư tưởng cải cách, được bầu giữ chức vụ Thủ tướng, đây sẽ không chỉ đơn thuần là quyết định bổ nhiệm cán bộ, mà là một nhân sự mang tính chiến lược đối với ông Tập trong nhiệm kỳ tới. Quyết định này không phản ánh sự suy giảm quyền lực chính trị của ông Tập, mà cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thúc đẩy chương trình nghị sự có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước, nhằm hướng đến những mục tiêu lớn hơn vì sự phát triển của đất nước.
Trên thực tế, cương vị Thủ tướng Chính phủ mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy, triển khai chính sách kinh tế của Trung Quốc, nhưng phần nào vẫn bị chi phối bởi đường lối, chủ trương của Đảng, trong đó đứng đầu là tư tưởng chỉ đạo của ông Tập Cận Bình.
Một số quan chức như Bí thư Thành uỷ Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ hay Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa nhiều khả năng cũng được xem xét đề bạt vào Thường vụ Bộ Chính trị. Đây được cho là những nhân tố chủ chốt trong hệ thống chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thời gian tới đây. Nói cách khác, họ được xem là thế hệ kế cận tiềm năng cho cương vị Tổng Bí thư và Thủ tướng của nước này trong những nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, đây chỉ là một kịch bản được tính đến, bởi điều này còn phụ thuộc vào thời gian tại nhiệm của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Bài viết thể hiện quan điểm của Jude Blanchette - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).