Ở Nhật Bản hiện nay, tình trạng các ông chồng trốn tránh các khoản tiền nuôi con sau ly dị cũng đang khiến cho những bà mẹ đơn thân phải đau đầu. Đối với vấn đề này, chính phủ Nhật Bản sẽ tham khảo hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia khác, từ đó xem xét thay đổi luật pháp để có thể hỗ trợ các bà mẹ hiện đang rơi vào tình cảnh kể trên.
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu rằng chính quyền của ông sẽ "bắt đầu nghiên cứu những sửa đổi pháp lý để hỗ trợ người phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn".
Một cuộc khảo sát tài chính năm 2016 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho thấy chỉ có 24.3% hộ gia đình có bà mẹ đơn thân tại Nhật Bản nhận được hỗ trợ nuôi con từ người chồng sau ly dị. Trong khi đó, phụ nữ tại Nhật Bản ít có cơ hội kiếm tiền hơn nam giới, thậm chí phần lớn trong số họ chỉ có thể tìm được các công việc thời vụ.
Một người phụ nữ đang bế đứa con 3 tuổi của mình Tokyo, Nhật Bản vào tháng 6/2020. Ảnh: Kyodo |
Theo một thống kê vào năm 2018, trung bình trong năm một người đàn ông tại Nhật Bản kiếm được 5.45 triệu yên (51.000 USD), gấp đôi so với nữ giới, vốn chỉ được khoảng 2.93 triệu yên mỗi năm.
Bộ chính sách mới của chính phủ cũng bao gồm nhiều điều khoản nhằm bảo vệ phụ nữ trước các hình thức bạo lực.
Trong thời điểm cách ly xã hội lâu dài, người dân phải ở trong nhà nhiều hơn, dẫn tới sự gia tăng của các vụ bạo lực gia đình. Trước tình hình đó, chính phủ cũng sẽ thiết lập một đường dây nóng hoạt động 24 giờ nhằm tư vấn về các vấn đề kể trên.
Năm ngoái, Nhật Bản đứng thứ 121 trong tổng cộng 153 quốc gia về chất lượng bình đẳng giới trong một bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), vị trí thấp nhất so với các quốc gia phát triển khác trên thế giới.
Chính phủ Nhật Bản cũng chỉ ra rằng việc tạo ra khuôn khổ cho phụ nữ có thể tham gia vào thương trường và chính trường đang là một "vấn đề cấp bách", khi mà sự hiện diện của họ tại những lĩnh vực này hiện vẫn còn rất thấp.
Phụ nữ chỉ nắm giữ 15% các vị trí lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời chỉ có 10% số đại biểu trong hạ viện và 23% số đại biểu trong thượng viện là nữ.
Trước tình trạng trên, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các doanh nghiệp cần phải thúc đẩy sự tham gia đóng góp của nữ giới, đồng thời tìm hiểu các nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất bình đẳng giới trong môi trường công sở.
Về vấn đề chính trị, chính phủ cũng sẽ tiến hành một cuộc khảo sát nhằm điều tra nguyên nhân liên quan tới các hành vi quấy rối nhắm vào các nữ chính trị gia.