Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói trong cuộc họp báo hôm qua 11/6: "Bất cứ nỗ lực nào nhằm cản trở tự do hàng không trong không phận quốc tế đều làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm, đối đầu và xảy ra các sự cố bất ngờ".
Bà Psaki đã hối thúc Trung Quốc và Nhật Bản thiết lập hệ thống liên lạc khẩn cấp để tránh "các tính toán sai lầm hoặc các vụ việc khác trên biển cũng như trên không".
Hai chiếc chiến đấu cơ Su-27 của quân đội Trung Quốc. |
Trước đó, Nhật Bản tố hai chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc đã áp sát một máy bay trinh sát của Nhật Bản ở khoảng cách chỉ 30m, trong khoảng thời gian từ 11-12h sáng ngày 11/6 giờ địa phương, trên khu vực hai nước có tranh chấp. Các máy bay của Nhật trở về căn cứ an toàn. Phi công chụp được hình ảnh cho thấy máy bay Trung Quốc dường như mang theo tên lửa.
"Các Su-27 của Trung Quốc bay liều lĩnh tới nỗi phi công của lực lượng phòng vệ Nhật cảm nhận được mối nguy hiểm", Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nói với người đồng cấp Úc David Johnston đang có chuyến thăm Tokyo.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Bắc Kinh cuối năm ngoái đơn phương tuyên bố thiết lập vùng ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm lên một số đảo tranh chấp với Tokyo.
Bộ quốc phòng Nhật hồi tháng 4 cho biết, Nhật đã 415 lần điều máy bay chiến đấu để chặn các máy bay Trung Quốc trong năm qua tính tới hết tháng 3/2014. Đó cũng là số lần xuất kích cao nhất kể từ khi Bộ quốc phòng Nhật bắt đầu công bố các số liệu cụ thể từ năm 2001.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng đang ngày càng leo thang ở Biển Đông và Hoa Đông trong những tuần gần đây, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.