Trong vụ Hồ sơ Pandora, ngoài nhiều lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu của thế giới, hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao có liên quan đến các tài khoản ở nước ngoài.
Theo đó, những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng lên tiếng phản đối việc trốn thuế trong nhiều thập kỷ, song những rò rỉ tiết lộ rằng ông và vợ có thể đã sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD (7,6 triệu euro) khi mua một công ty bất động sản nước ngoài của gia đình Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Bahrain Zayed bin Rashid al-Zayani.
Bằng cách mua cổ phần của công ty - chứ không phải trực tiếp mua tòa nhà, ông Blair và vợ đã có thể tránh phải nộp thuế tài sản tổng cộng 400.000 USD.
Ngoài ra, Hồ sơ Pandora còn tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty nước ngoài. Một số công ty này được sử dụng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy.
Hồ sơ Pandora, với 2,94 terabyte dữ liệu, là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với Hồ sơ Panama (2016) và Hồ sơ Paradise (2017). Việc xác thực tính xác thực của Hồ sơ Pandora là cuộc kiểm định lớn nhất do Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tổ chức cùng một nhóm gồm 150 tờ báo.