Nhiều thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông giai đoạn 2020 - 2024 và chuẩn bị cho Kỳ thi từ năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Giai đoạn 2020 - 2024, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được tổ chức chung đề, chung đợt, kết quả thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và sử dụng trong tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng.

Thí sinh thi 3 môn bắt buộc là: Toán, Văn, Ngoại ngữ, cùng một bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Việc xét tốt nghiệp được thực hiện kết hợp kết quả thi và kết quả học tập theo tỷ lệ 70 - 30. Ở giai đoạn này mỗi năm, cả nước có khoảng 900.000 đến 1 triệu thí sinh tham dự Kỳ thi.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi được tổ chức ngày càng gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng; kết quả thi đủ độ tin cậy, đạt các mục tiêu, được hầu hết các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh. Từ năm 2020, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ngày càng được cải tiến kỹ thuật. Tuy nhiên, việc ra đề thi giữa các năm và giữa các môn học (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) không được đồng đều nhau đã có tình trạng lạm phát điểm cao.

Việc các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu xét xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp bị thu hẹp. Nhiều em điểm thi cao nhưng không đỗ được nguyện vọng yêu thích. Công tác xây dựng ngân hàng đề thi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Quy chế thi tốt nghiệp phải điều chỉnh hằng năm gây áp lực thời gian ban hành văn bản và bị động cho các địa phương.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong các kỳ thi ở giai đoạn 2020 - 2024 đó là có sự chênh lệch khá nhiều về số lượng thí sinh chọn thi các môn tổ hợp. Cụ thể, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội ngày càng nhiều và luôn cao hơn số thi sinh chọn bài Khoa học tự nhiên. Một số ít địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh ở chiều ngược lại.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, điểm thi trung bình ở các môn Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân) tăng nhẹ hằng năm. Trong khi các môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh học) có điểm ổn định và thấp hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thí sinh có xu hướng chọn bài thi Khoa học xã hội để có lợi thế khi đăng ký xét tuyển đại học. Đây cũng là yếu tố có phần bất lợi giữa các tổ hợp khi xét tuyển đại học. Vì thế, Cục đang nghiên cứu để có giải pháp công bằng.

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh việc lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, kết quả Kỳ thi cũng nhằm cung cấp cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Ở Kỳ thi này, thí sinh dự thi 4 môn; trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ Nông nghiệp, Công nghệ Công nghiệp). Đề thi có cấu trúc định dạng mới, tăng cường độ phân hóa để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp; trong đó sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học của học sinh theo tỷ lệ 50 - 50; tức là tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở các năm trung học phổ thông nhằm đánh giá toàn diện các năng lực theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi vẫn được áp dụng nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu để thống nhất các nội dung về điểm khuyến khích như không cộng điểm chứng chỉ nghề và không cộng điểm chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, bằng Trung cấp đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2025 - 2030, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn được giữ ổn định phương thức thi trên giấy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu. Sau năm 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính ở những địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Đến khi tất cả địa phương trong cả nước có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, việc tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi trong những năm qua là cần thiết để đánh giá lại những mặt được và hạn chế; từ đó, nâng cao hiệu quả tổ chức, tạo niềm tin cho dư luận xã hội. Trong đó, để tổ chức tốt Kỳ thi này cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp. Công tác chuẩn bị cần làm từ sớm và kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với các lực lượng ngoài ngành; đặc biệt công tác truyền thông cần được chú trọng hơn nữa.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).