Tại hội nghị Ngoại trưởng lần này, Mỹ và các đồng minh trong nhóm G7 đang tìm kiếm một phản ứng nhất quán đối với sự quyết đoán ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh sau màn trỗi dậy ngoạn mục về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua.
Trong khi đó, căng thẳng Nga-Ukraine đã trở thành trọng tâm được thảo luận tức thời tại cuộc hội nghị ở thành phố Liverpool của Anh giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp.
Nhìn chung, các Ngoại trưởng G7 ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm hỗ trợ Ukraine và răn đe chính quyền Moscow về các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nếu chiến tranh nổ ra.
Nhóm nước G7 kêu gọi Nga "giảm leo thang, theo đuổi các kênh ngoại giao và tuân thủ các cam kết quốc tế về tính minh bạch của các hoạt động quân sự", đồng thời ca ngợi "sự kiềm chế" của Ukraine.
“Mọi hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng biên giới đều bị nghiêm cấm theo luật pháp quốc tế. Nga nên chắc chắn rằng việc tiếp tục gây hấn quân sự đối với Ukraine sẽ gây ra những hậu quả lớn và phải trả giá đắt để đáp trả ”, theo tuyên bố chung của G7.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss, cho biết G7 đang gửi một “tín hiệu mạnh mẽ tới các đối thủ và đồng minh của chúng ta.”
Tuyên bố chung hứa hẹn một "phản ứng chung và toàn diện" nhưng không đưa ra các chi tiết. Ngoại trưởng Liz Truss cho biết G7 đang "xem xét tất cả các lựa chọn" nếu phải dùng tới biện pháp trừng phạt kinh tế.
Nga từng gia nhập nhóm nước G8 vào năm 1997, nhưng đã bị "tẩy chay" vào năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine. Chính quyền Moscow cho biết G7, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản, đang đưa ra những cáo buộc hung hăng nhắm vào Nga.
Nếu Tổng thống Putin đang là mối bận tâm ngắn hạn đối với G7, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc lại là nan đề đòi hỏi một chiến lược đối phó dài hạn.
Một quan chức tham dự cuộc đàm phán cho biết "đã có" các cuộc thảo luận rất, rất căng thẳng, đặc biệt là về Trung Quốc."
Các bộ trưởng ngoại giao của G7 đã thảo luận về tình hình ở Hong Kong, khu vực Tân Cương và tầm quan trọng của hòa bình ở eo biển Đài Loan.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới cũng bày tỏ sự lo ngại về các chính sách kinh tế mang tính "cưỡng chế" của Trung Quốc.
"Chúng tôi lo ngại về các chính sách kinh tế mang tính cưỡng chế của Trung Quốc", Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết. "Những gì chúng tôi muốn làm là xây dựng phạm vi đầu tư, phạm vi thương mại kinh tế, của các nền dân chủ cùng chí hướng, yêu tự do."