"Họ đã buộc tất cả các bệnh nhân rời khỏi đây, với lời giải thích rằng chính quyền yêu cầu phải ưu tiên giường bệnh cho các bệnh nhân Covid-19", Ye nhớ lại.
Người này cho biết Bệnh viện phổi Vũ Hán thậm chí còn không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào cho bố vợ mình. Ye không biết phải đưa người nhà mình tới bệnh viện nào, hoặc điều trị tại nhà ra sao.
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán vào cuối năm ngoái và đã bóp nghẹt hệ thống y tế của thành phố, giết chết hơn 2.600 người và lây nhiễm gần 80.000 người trên toàn thế giới. Để đối phó với số lượng bệnh nhân khổng lồ, thành phố đã chuyển đổi nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, cũng như các địa điểm công cộng, thành các cơ sở để chuyên trị Covid-19.
Bệnh viện phổi Vũ Hán là một trong những bệnh viện đầu tiên và hiện có 48 cơ sở y tế trong thành phố đã được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, với trọng tâm tập trung vào việc ngăn chặn dịch bệnh, những bệnh nhân mắc các bệnh khác cho rằng họ đang trở thành những nạn nhân vô hình của dịch bệnh.
Sau khi Bệnh viện phổi Vũ Hán nói với Ye về thông báo cho xuất viện, anh đã cố gắng liên lạc với các bệnh viện khác trong thành phố, nhưng không có kết quả. Một số nơi báo với Ye rằng họ đã hết giường, trong khi những cơ sở khác nói rằng họ không thể điều trị cho bố vợ anh.
"Chúng tôi đã thử mọi cách - gọi xe cứu thương, cầu xin bác sĩ, nhờ bạn bè và người thân giúp đỡ, tìm kiếm sự giúp đỡ trên phương tiện truyền thông xã hội", Ye nói. "Nhưng không có điều gì xảy ra".
Không còn cách nào khác, Ye đưa bố vợ về nhà, hiện ông đang phải thở máy và không thể ăn uống gì trong nhiều ngày qua.
"Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì ngoài việc ngồi nhìn bố chết dần. Tôi cảm thấy thật bất lực. Tôi thậm chí không biết phải làm gì để giúp ông ấy. Cảm giác giống như không còn cách để sống, nhưng cũng chẳng có cách nào để chết ngay", Ye cay đắng nói.
Hình ảnh một phòng lọc máu trống trơn tại Bệnh viện Y học cổ truyền Vũ Hán. Ảnh: Sixth Tone |
Một nạn nhân vô hình khác của đại dịch Covid-19 đó là các bệnh nhân HIV. Do thành phố bị phong tỏa, cùng với đó là lệnh hạn chế đi lại, nhiều người bệnh đang phải sống mòn trong nhà, không thể tới bệnh viện để lấy thuốc giúp họ kéo dài sự sống.
Huang Haojie, giám đốc Trung tâm LGBT Vũ Hán, nói rằng trung tâm đã nhận được vô số tin nhắn từ các bệnh nhân. "Việc bị phong tỏa đột ngột ở Vũ Hán đã khiến bệnh nhân HIV rất khó lấy thuốc", ông Huang nói.
Ở Trung Quốc, bệnh nhân HIV phải tới tận cơ sở y tế đã đăng ký để lấy thuốc. Nhiều người sống với HIV không dám tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè do sự kỳ thị liên quan đến căn bệnh này.
"Người bệnh sợ cảnh sống mà không có thuốc, nhưng việc để gia đình hoặc người thân phát hiện về căn bệnh còn khiến họ sợ hơn", ông Huang nói.
Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống AIDS / STD Quốc gia Trung Quốc tạm thời cho phép bệnh nhân dùng thuốc điều trị HIV hàng tháng mà không cần đăng ký, Huang nói rằng "giải pháp tức thời" này chưa đáp ứng được nhu cầu. Đối với nhiều người ở khu vực nông thôn, lệnh hạn chế đi lại đồng nghĩa với việc họ không thể tiếp cận với nguồn thuốc.
"Một bệnh nhân ở nông thôn nói với chúng tôi rằng anh ta rời khỏi làng lúc 6 giờ sáng và trở về nhà lúc 6 giờ chiều chỉ để đi bộ lấy thuốc", Huang chia sẻ.
Đầu tháng này, video ghi lại cảnh một người mẹ cố gắng gào thét kêu gọi các nhà chức trách cho mình đưa con gái ra khỏi Hồ Bắc để điều trị ung thư đã gây sốc toàn thế giới. Đoạn video đã nhấn mạnh hoàn cảnh của những người cảm thấy bất lực khi họ phải vật lộn để chăm sóc các thành viên gia đình trong cơn bạo bệnh.
Người phụ nữ tại Vũ Hán cầu xin cảnh sát để đưa con gái mình ra khỏi thành phố để chữa bệnh. Ảnh: Reuters |
Li Hua - người có mẹ đang điều trị ung thư giai đoạn cuối, cho biết đại dịch Covid-19 thực sự là ác mộng đối với cô trong thời gian này.
Trước khi mẹ cô nhập viện, Li nói rằng họ đã bị hai bệnh viện từ chối bởi các giường bệnh đều dành cho bệnh nhân Covid-19. Cô rất lo lắng do mẹ mình phải hóa trị liên tục và nếu tình cảnh này tiếp tục kéo dài, Li không rõ mẹ mình sẽ trụ được bao lâu.
"Tôi không biết ngày mai sẽ ra sao, cô gái 26 tuổi, cho biết. "Tôi phải phụ thuộc vào chính mình. Các cơ sở y tế đang ở trong tình trạng khó khăn. Tôi không biết lệnh phong tỏa sẽ diễn ra trong bao lâu. Tôi chỉ hy vọng gia đình mình có thể vượt qua giai đoạn này".
Để giải quyết các nhu cầu của bệnh nhân khác, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã công bố danh sách các cơ sở cho những bệnh nhân này vào tuần trước. 50 bệnh viện ở Vũ Hán đã được chỉ định cho các bệnh nhân nguy kịch, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và những người cần lọc máu.
Kể từ đầu tuần này, chính quyền Vũ Hán đã bắt đầu nới lỏng các lệnh giới hạn đi lại, cho phép những người có nhu cầu rời khỏi thành phố để đi làm hoặc chữa bệnh tại các địa phương khác, với điều kiện họ đã kết thúc thời gian cách ly và không có bất kỳ triệu chứng nào.