Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.HCM vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can Đinh Trường Chinh (49 tuổi) và Huỳnh Thế Năng (64 tuổi) về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Hai bị can được xác định có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất “vàng” số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Ông Đinh Trường Chinh, được biết đến là người sáng lập, kiêm Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Quảng cáo Thương mại Xây dựng Địa ốc Việt Hân từ năm 2006. Trong khi đó, ông Huỳnh Thế Năng là nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Trước khi bị khởi tố, ông Đinh Trường Chinh được biết đến là một doanh nhân bất động sản có tiếng với việc sở hữu nhiều doanh nghiệp trong ngành cùng hàng loạt dự án trải dài từ Bắc chí Nam. “Dấu ấn” của ông Đinh Trường Chinh cũng được thể hiện qua hàng loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước, lấy đất Nhà nước, nhiều dự án có dấu hiệu sai phạm, xảy ra tranh chấp kéo dài,...
“Hô biến” đất công thành đất tư với giá rẻ bèo
Trước đó, vào cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo kết luận số 2099/BC-TTCP, chỉ ra hàng loạt sai phạm của Vinafood 2 và Công ty Việt Hân liên quan đến việc biến đất công thành đất tư tại khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Theo đó, khu đất này có tổng diện tích khoảng 6.300 m2, thuộc sở hữu Nhà nước và được giao cho Vinafood 2 vào năm 1993 để làm trụ sở và nhà ở tập thể cho cán bộ, nhân viên.
Đến năm 2010, sau khi được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với khu đất nói trên, Vinafood 2 đã liên kết, hợp tác với Công ty Việt Hân lập ra Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn để thực hiện để thực hiện Dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại. Ban đầu, Công ty Việt Hân góp 80% cổ phần, Vinafood 2 góp 20% cổ phần. Nhưng đến tháng 12/2015, Vinafood 2 đã chuyển nhượng toàn bộ 20% cổ phần cho đối tác, khiến khu đất Nhà nước giữa trung tâm TP.HCM cũng rơi vào tay tư nhân với giá còn thấp hơp tiền sử dụng đất đã nộp.
Khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Ảnh: Chinhphu.vn. |
Quá trình hợp tác lòng vòng này, Vinafood được xác định để xảy ra hàng loạt sai phạm, trong đó có 4 lần làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nghiêm trọng nhất là Vinafood 2 tự ý hợp tác với Công ty Việt Hân khi chưa lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Dù UBND TP.HCM, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần có văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 phải xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty Việt Hân trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng Vinafood 2 không thực hiện. Đồng thời Vinafood 2 cũng không lập phương án bồi thường, hỗ trợ, di dời 34 hộ dân đang sinh sống trong khu đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết luận Thanh tra cũng chỉ ra, Công ty Việt Hân Sài Gòn không triển khai dự án mà sử dụng giấy tờ nhà đất được cấp để nhiều lần vay vốn trái luật tại các ngân hàng với số tiền khoảng 6.300 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định thu hồi khu đất “vàng” này”.
Ông Đinh Trường Chinh và thương vụ thâu tóm HDTC
Ngoài khu đất vàng 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, Công ty Việt Hân và ông Đinh Trường Chinh còn là nhân vật chính trong thương vụ thâu tóm Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) – chủ đầu tư Khu đô thị An Phú – An Khánh.
Năm 1984, UBND TP.HCM thành lập Công ty Phát triển nhà ở, sau đó đổi tên thành Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco). Năm 2015, UBND TP phê duyệt phương án cổ phần hóa HDTC.
Chủ trương của UBND TP.HCM là giữ lại 30% vốn điều lệ, 34,79% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, 34,89% cổ phần bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư thông thường, còn lại một phần nhỏ được bán ưu đãi cho người lao động của HDTC.
Năm 2016, sau quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp này chính thức được đổi tên thành Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), vốn điều lệ hơn 2.240 tỷ đồng. Ngoài 30% vốn Nhà nước thì Công ty Việt Hân chiếm hơn 52%, ông Đinh Trường Chinh cùng em gái Đinh Ngọc Châu Hương nắm giữ lần lượt 8,8% và 8,6% cổ phần, một phần rất nhỏ còn lại thuộc sở hữu của khoảng 180 cổ đông cá nhân. Ông Đinh Trường Chinh cũng giữ chức Chủ tịch HĐQT HDTC kể từ năm 2016 đến nay.
Khu đô thị An Phú - An Khánh, dự án lớn nhất của HDTC tại TP.HCM. |
Trong thời gian mua lại cổ phần HDTC, ông Đinh Trường Chinh cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Hân. Sau khi thâu tóm thành công HDTC, ông Chinh cùng em gái Đinh Ngọc Châu Hương rời khỏi HĐQT Công ty Việt Hân. Sang năm 2017, Công ty Việt Hân cũng giảm tỷ lệ cổ phần tại HDTC xuống còn 34,79%, còn ông Chinh tăng tỷ lệ cổ phần lên 26%.
Đến giữa năm 2018, Công ty Việt Hân biến mất trong danh sách cổ đông của HDTC, thay vào đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Bất động sản FR, chiếm 34,79% cổ phần. Thời điểm này, Công ty FR do ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch HĐQT, bà Đinh Ngọc Châu Hương làm Tổng giám đốc.
Như vậy, với công ty FR, ông Đinh Trường Chinh cùng em gái đã sở hữu 70% cổ phần tại HDTC, nắm quyền chi phối và toàn quyền đưa ra các quyết định tại doanh nghiệp này. Cơ cấu HĐQT 5 người của HDTC năm 2020 cũng thể hiện ngoài ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch thì có 3 người thân trong gia đình làm thành viên gồm Đinh Ngọc Thiên Hương, Đinh Thị Thùy Hương và Đinh Chí Minh.
Quá trình cổ phần hóa này, HDTC được xác định có nhiều vi phạm, được Kiểm toán Nhà nước nêu tên trong Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2020. Ngoài ra, trong vài năm qua, HDTC liên tục nằm trong danh sách những doanh nghiệp nợ thuế nhiều tại Cục thuế TP.HCM với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong danh sách công khai thông tin người nộp thuế đợt 1/2023, HDTC đang nợ thuế hơn 750 tỷ đồng, trong đó nợ 445 tỷ đồng tại Chi cục Thuế TP.Thủ Đức và gần 310 tỷ đồng tại Chi cục Thuế TP.HCM.
Sai phạm, tranh chấp kéo dài tại Khu đô thị An Phú – An Khánh
Khu đô thị An Phú – An Khánh, dự án lớn nhất của HDTC với quy mô 131 ha được phê duyệt từ năm 1998 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện. Sau khi cổ phần hóa vào năm 2016, HDTC liên tục dính đến nhiều sai phạm và tranh chấp kéo dài với người dân tại dự án này.
Đơn cử như Khu E, dù được Thủ tướng và UBND TP.HCM phê duyệt là công trình công cộng, không có chức năng để ở. Nhưng HDTC đã biến một phần khu E thành đất ở để kinh doanh thương mại. Tại khu E6, đuọc quy hoạch là tòa nhà văn phòng nhưng đã được HDTC bán cho một chủ đầu tư khác xây dựng 14 căn biệt thự và bỏ hoang đến nay.
Dự án Laimian City trong Khu đô thị An Phú - An Khánh từng bị xử phạt vì xây dựng không phép. |
Quá trình thực hiện dự án, Chủ đầu tư cũng đã nhiều lần đề xuất thay đổi quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến “an cư lạc nghiệp” của cư dân. Nhiều ý kiến cho rằng, những điều chỉnh tại các hạng mục công trình công cộng cần lấy ý kiến của người dân nhưng chưa được chủ đầu tư thực hiện đầy đủ.
Như vào năm 2017, Công ty HDTC đề xuất thay đổi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của toàn dự án, trong đó hầu hết là những điều chỉnh có lợi cho chủ đầu tư như: giảm diện tích đất công viên cây xanh, tăng mật độ dân cư tại dự án... Điều này đồng nghĩa HDTC sẽ tiếp tục có thêm nhiều nhà/đất để bán, nhưng lại tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng của khu vực. Công ty HDTC cũng từng bị UBND quận 2 (cũ) trước đây xử phạt 40 triệu đồng vào năm 2019 vì xây dựng không phép tại một khu chung cư bên trong dự án.
Chưa dừng lại ở đó, Công ty HDTC từng xảy ra tranh chấp với cả doanh nghiệp Nhà nước tại nhiều khu đất thuộc dự án và suốt hơn 20 năm qua chưa bàn giao đất cho nhiều khách hàng cá nhân đã mua từ những năm 1998-2000. Hành trình đòi đất nền của người dân càng trở nên bế tắc hơn khi HDTC chuyển thành Công ty cổ phần do ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch HĐQT.
Một dự án khác của HDTC cũng có nhiều lùm xùm liên quan đến quy hoạch, xây dựng là Khu dân cư An Sương. Dự án này cũng được phê duyệt cùng thời điểm với Khu đô thị An Phú – An Khánh, nhưng đến nay chủ đầu tư mới chỉ hoàn thiện các hạng mục hạ tầng để bán nền và chung cư, trong khi nhiều hạng mục tiện ích công cộng chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.
Trong đó, công viên trung tâm (diện tích 5,3 ha) hiện nay phần lớn diện tích đất được HDTC hợp tác với một doanh nghiệp tư nhân cho nhiều cá nhân lập ki ốt để kinh doanh. Dù là công viên, nhưng hiện nay hầu như không có cây xanh nào, thay vào đó là rất nhiều ki ốt chen chúc kinh doanh thương mại, ẩm thực ồn ào về đêm, gây ảnh hưởng tới cuộc sống cư dân.