Ông Vene Chun, 52 tuổi, đứng đên chiến ca nô của mình, đeo một vòng hoa và dành vài phút mặc niệm về thảm hoạ cháy rừng đã xảy ra hồi đầu tháng này tại Hawaii, quê hương ông. Dù vài ngày trước, trên chính chiếc ca nô này, ông từng tiếp tế lương thực, nước uống cho những người còn sống sót, hỗ trợ nhiều gia đình gặp nạn rải tro cốt người thân. Nhưng nay, ông Chun phải ngậm ngùi, bước qua nỗi tang thương bao trùm cả thị trấn Lahaina, tiếp tục phục vụ khách du lịch đến Hawaii trải nghiệm hoạt động lướt sóng tại những bãi biển công cộng ở Maui.
“Rồi thì người dân Hawaii sẽ phải quay trở lại với cuộc sống thường ngày. Con đường phía trước chúng ta vẫn phải tiếp tục, chúng ta sẽ giúp đỡ nhau cùng tiến lên”, ông Chun chia sẻ.
Dù hoạt động tìm kiếm những người gặp nạn ở thị trấn Lahaina vẫn đang tiếp tục được triển khai, song cuộc sống vẫn tiếp diễn ở hầu hết các khu vực khác tại hạt Maui. Những người dân địa phương buộc phải vượt qua sự mất mát và đau thương, để khôi phục lại hoạt động du lịch tại đây.
Một của hàng lưu niệm được mở lại ở ngôi làng Kihei Kalama. |
Vụ cháy rừng xảy rừng hồi đầu tháng 8/2023 đã biến một hòn đảo tráng lệ chìm trong biển lửa dữ dội, như một ngọn đuốc thiêu, khiến hàng trăm người chết và hàng ngàn mất tích. Lahaina, một thị trấn ven biển với 13.000 dân ở nằm ở phía tây đảo Maui, gần như đã bị tàn phá hoàn toàn sau vụ việc này.
Những thiệt hại sau thảm họa cháy rừng tại hòn đảo Maui không chỉ tác động đến tinh thần của người dân Hawaii, các gia đình, doanh nghiệp địa phương, mà còn lan rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Thảm hoạ này được ví như một cơn đại địa chấn với nhiều vòng tròn đồng tâm, trong đó tâm chấn nằm ở thị trấn Lahaina, nơi được một số người gọi là khu vực số 0
Một số người dân đã gắng gượng mạnh mẽ vượt qua biến cố này, tuy nhiên, rất nhiều người dân Lahaina đã sinh ra tư tưởng “xa lánh” khách du lịch và truyền đi thông điệp rằng “Nếu bạn không phải là người Maui, xin đừng đến đây”.
Tuy nhiên, trước phản ứng này của người dân địa phương, Thống đốc bang Hawaii Josh Green của Hawaii hôm 14/8 đã đưa ra thông cáo chính thức rằng, khu vực phía tây đảo Maui, bao gồm thị trấn Lahaina là khu vực duy nhất tạm thời dừng đón khách du lịch. Ông lưu ý rằng các khu vực khác ở phía đông nam vẫn mở cửa. “Sẽ là một thảm họa kép nếu không có ai đến hòn đảo này”, Thống đốc Josh Green nhấn mạnh, ông đồng thời động viên người dân vượt qua nỗi đau và tránh rơi vào trạng thái tiêu cực.
Theo ông Kaala Buenconsejo, một trong số những người lãnh đạo cộng đồng địa phương, cho biết: “Tìm nhà, cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người ‘bất đắc dĩ’ bị rơi vào tình cảnh vô gia cư gần như là tất cả những gì chúng ta có thể làm ngay bây giờ để hỗ trợ những người dân gặp nạn”.
Thế nhưng, đối với nhiều người dân địa phương, như vậy vẫn là chưa đủ. Dù dấu hiệu về sự bàng hoàng, đau thương vẫn đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, ngay cả trong hoạt động làm việc của tất cả mọi người, người dân tại đây hiểu rằng họ vẫn cần phải làm việc và đảo Maui vẫn cần phải đón tiếp du khách, bởi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương này.
Hàng hoá tiếp tế được vận chuyển đến cảng Ma’alaea, đảo Maui. |
“Tôi đồng ý rằng người dân trên đảo cần hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng sau thảm hoạ vừa qua. Thế nhưng, sao có thể có những tư tưởng bài xích du khách rằng: Đừng đến nếu bạn là khách du lịch. Thử hỏi nếu công việc kinh doanh của tôi bị ngưng trệ, làm sao tôi có thể giúp được ai nữa chứ?”, bà Sarah Guthrie, chủ 4 quầy hàng lưu niệm trên đảo Maui, giãi bày.
Scott Taylor, một thương gia khác, cũng chia sẻ rằng ông đang phải nỗ lực rất nhiều để cân bằng giữa việc hỗ trợ người dân địa phương với duy trì hoạt động kinh doanh của mình. “Sau những gì đã xảy ra, tôi ước rằng hòn đảo có thể ‘nghỉ ngơi’ trong vài tuần, nhưng mọi thứ không thể diễn ra như vậy, cuộc sống cần quay trở lại trạng thái bình thường”, ông Scott tâm sự.
Nhiều du khách đã cố gắng tuân thủ khuyến cáo của chính quyền địa phương, họ lựa chọn không tiếp cận khu vực phía tây đảo Maui. Một số du khách thậm chí đã quyết định quyên góp ủng hộ, hỗ trợ người dân địa phương sớm khắc phục được thiệt hại sau vụ thảm hoạ.
Bà Marlene Rice, Giám đốc phát triển Ngân hàng Thực phẩm Maui, cho biết một gia đình khách du lịch đã gửi những hàng hóa thiết yếu cho người dân địa phương, với giá trị bằng một chiếc ô tô. Một số tiếp viên hàng không khi đến Maui cũng đã mang theo những chiếc vali chứa đầy đồ vệ sinh cá nhân và quần áo để gửi tặng cho gia đình bị ảnh hưởng nặng nề trong khu vực “số 0”. Không chỉ những người sống sót sau vụ thảm hoạ, những người dân địa phương mà cả những du khách yêu mến hòn đảo Maui, họ đang hỗ trợ nhau cùng vượt qua nghịch cảnh, và cùng nhau tiếp tục tiến về phía trước.