Thành phố Hải Phòng đã miễn học phí cho bậc mầm non và THCS từ năm học 2020 - 2021 và học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021 - 2022. Đến năm học 2022 - 2023, 100% học sinh các cấp ở thành phố Hải Phòng được miễn học phí (trừ bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục).
Được biết, mỗi năm, thành phố trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục.
Năm 2018, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết 54 về miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp. Việc miễn học phí cho bậc mầm non và THCS bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 và học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021 - 2022.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định miễn toàn bộ học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS công lập, tư thục giai đoạn 2022 - 2025.
Trong đó trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2023 - 2024, học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2024 - 2025.
Dự kiến ngân sách tỉnh sẽ chi hơn 568 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2022 - 2025. Riêng mức học phí dự kiến chi cho năm học 2022 - 2023 hơn 110 tỷ đồng.
Vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, các đại biểu thông qua nghị quyết hỗ trợ 100% học phí 9 tháng của năm học 2022 - 2023 cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập. Các đối tượng được giảm học phí theo các chính sách của trung ương và thành phố được cấp bù phần hỗ trợ cho bằng 100% mức thu học phí công lập năm học 2022 - 2023.
Đà Nẵng trích hơn 4.685 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho 8.438 học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi do COVID-19 và 4.400 học sinh con hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022 - 2023.
UBND thành phố Cần Thơ vừa có tờ trình dự thảo Nghị quyết của Hội đồng dân dân thành phố quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn năm học 2022 - 2023 gửi Hội đồng nhân dân thành phố.
Mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên dự tính như sau: Mức học phí đối với các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT ở phường, thị trấn là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Mức học phí đối với các cấp mầm non, tiểu học, THCS ở xã là 100.000 đồng/học sinh/tháng, còn với cấp THPT là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Mức học phí đối với các cấp mầm non, tiểu học, THCS thuộc vùng dân tộc thiểu số là 50.000 đồng/học sinh/tháng, còn với cấp THPT là 100.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Mức học phí đối với giáo dục tiểu học công lập theo quy định này được dùng làm căn cứ để thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn, giảm học phí.
Theo Sở GD&ĐT Quảng Ninh, địa phương này đang nghiên cứu ngân sách để có quyết định miễn giảm học phí từ năm học 2022 - 2023 hay không. Từ năm học trước, Quảng Ninh đã giảm 100% học phí cho học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường công lập và tư thục do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Số tiền này được trích ra từ ngân sách của tỉnh.
UBND tỉnh Cà Mau quyết định tạm thời chưa thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023. Còn với các khoản thu khác đầu năm học (nếu có) tỉnh yêu cầu thực hiện theo đúng quy định hiện hành, không được thu bất cứ khoản thu nào ngoài quy định.
UBND tỉnh Cà Mau giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nội dung trên; đồng thời chủ động theo dõi, liên hệ Bộ GD&ĐT để nắm thông tin về mức thu học phí năm học 2022 - 2023; trường hợp cấp thẩm quyền ban hành mức thu học phí năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh.
Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân, mới đây UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất điều chỉnh lộ trình học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với năm học 2022 - 2023 và từ năm học 2023 - 2024 theo đề xuất của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, đối với năm học 2022 - 2023, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập bằng mức học phí đã ban hành năm học 2021 - 2022 ở tất cả cấp học. Từ năm học 2023 - 2024, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non, phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất với Bộ GD&ĐT miễn học phí đối với học sinh THCS. Riêng về các khoản thu khác ngoài học phí tiếp tục duy trì và giữ nguyên các nội dung và mức thu các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, theo quy định đang thực hiện trong năm học 2021 - 2022 để tiếp tục thực hiện cho năm học 2022 - 2023.
Trước đó, ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS toàn quốc ngay từ năm học 2022 - 2023.
Cụ thể, trong kiến nghị của Bộ GD&ĐT gửi tới Chính phủ, đề nghị ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024.
Theo đó, về học phí của hệ trung học cơ sở, Bộ GD&ĐT đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh THCS từ năm học 2022 - 2023 (ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí 5,5 triệu học sinh nhân với học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học là 11.199,8 tỷ đồng/năm học). Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm (từ năm 2022 đến năm 2024, sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).