Non Nước Cao Bằng được công nhận Công viên địa chất toàn cầu

(Ngày Nay) - Ngày 12/4, tại Paris, Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.
Hồ Thăng Hen thuộc quần thể Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng. (Nguồn: caobanggeopark.com)
Hồ Thăng Hen thuộc quần thể Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng. (Nguồn: caobanggeopark.com)

Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã được UNESCO công nhận từ năm 2010.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu là một ghi nhận của UNESCO về cảnh quan đa dạng phong phú, giá trị văn hóa tinh thần của khu vực Non nước Cao Bằng. Điều này sẽ tạo điều kiện để tỉnh phát triển bền vững về các mặt kinh tế và xã hội, góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.

Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km. Diện tích Công viên lên đến hơn 3.000km2, bao gồm sáu huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của chín dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay...

Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản..., đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất, xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc. Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Đại sứ-Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, trong quá trình thẩm định hồ sơ, các chuyên viên quốc tế của UNESCO đã đánh giá cao các giá trị của Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng.

UNESCO góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

Bên cạnh các giá trị thiên nhiên như diện tích, đặc điểm địa chất và đa dạng sinh học, Non Nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Đại sứ Hoàng Mai nhấn mạnh sự hồn nhiên của người dân địa phương và sự tự hào của họ về vùng đất quê hương cũng là một yếu tố "thuyết phục" đối với các chuyên gia thẩm định quốc tế.

Non Nước Cao Bằng được công nhận Công viên địa chất toàn cầu ảnh 1Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp thông qua Nghị quyết công nhận CVĐCTC Non Nước Cao Bằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, khẳng định cam kết của lãnh đạo và nhân dân địa phương sẽ coi trọng bảo tồn và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng gắn với phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Tỉnh đã xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể để khai thác hiệu quả di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng ra đời năm 2015. Tháng 11/2016, tỉnh Cao Bằng đã nộp hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận Non Nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.

Tháng7/2017, đoàn chuyên gia khảo sát của UNESCO đã đến kiểm tra, đánh giá các tiêu chí, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác bảo tồn của tỉnh./.

Theo Vietnamplus
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).