Theo một phát ngôn viên của sân bay Bali, núi lửa Agung đã phun trào và tạo ra cột khói cao tới 4.000 mét vào sáng chủ nhật (26/11), làm ít nhất 15 chuyến bay bị gián đoạn hoặc bị hủy bỏ.
Trung tâm núi lửa của Indonesia đã đưa ra một cảnh báo về khả năng phun trào của ngọn núi lửa cũng như khả năng phát tán các khối khói lớn vào không khí. Tuy nhiên sân bay Ngurah Rai của Bali vẫn mở cửa vào ngày chủ nhật.
Hình ảnh ngọn núi lửa Agung phun trào |
Người phát ngôn sân bay Arie Ahsanurrohim cho biết quyết định trì hoãn hoặc chuyển hướng chuyến bay là do các hãng hàng không riêng lẻ.
Ahsanurrohim nói với AFP: "Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp các hành khách có chuyến bay bị ảnh hưởng có thể cảm thấy thoải mái nhất. Cho đến nay, chúng tôi đã cung cấp các phòng đặc biệt cho họ để họ có thể nghỉ ngơi và tạm thời thư giãn.
Có ít nhất 2.000 hành khách đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuyến bay, chủ yếu là du khách từ Australia.
Lần cuối cùng mà ngọn núi lửa Agung phun trào là vào năm 1963 và đã khiến ít nhất 1.600 người thiệt mạng. Hồi tháng 9, chính quyền đã nâng mức báo động lên mức cao nhất, buộc 140.000 người sống gần đó phải di tản.
Hoạt động của núi lửa có biểu hiện giảm vào cuối tháng 10 và nhiều người đã trở về nhà khi báo động hạ xuống đến mức cao thứ hai.
Tuy nhiên, một lần nữa ngọn núi lửa Agung lại chạm ngưỡng cảnh báo số 3, buộc ít nhất 25.000 người phải tìm nơi trú ẩn an toàn. Các nhà chức trách kêu gọi người dân sống trong phạm vi 7,5 km (4,5 dặm) buộc phải sơ tán ngay lập tức.
Núi Agung chỉ là một trong hơn 120 ngọn núi lửa vẫn đang hoạt ở Indonesia, nằm trên Vành Thái Bình Dương.
Theo AFP