Phát biểu trước Quốc hội Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: “Một trong những nhiệm vụ mà Anh sẽ thực hiện trên cương vị (Chủ tịch) G7 là nỗ lực đưa thế giới xích lại gần nhau sau đại dịch COVID-19... Thật đáng buồn về những cuộc tranh giành trong sân bay về các thiết bị bảo hộ cá nhân, các đường biên giới đã được dựng lên, các kho dự trữ thuốc bị cô lập tạm thời. Chúng ta đã chứng kiến sự nổi lên của những ưu tiên mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc theo cách rất đáng thất vọng với những người tin tưởng vào chủ nghĩa toàn cầu hóa và quốc tế hóa”.
Nước Anh sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên G7 vào năm tới. Đây cũng là thời điểm London bước đi trên một con đường mới sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. Thủ tướng Johnson đang nỗ lực thúc đẩy quảng bá hình ảnh “Nước Anh toàn cầu”, ngay cả khi ông bị dư luận trong nước chỉ trích mạnh mẽ về cách tiếp cận trong các đàm phán thương mại phức tạp hậu Brexit với EU. Ông viện dẫn một hội nghị mà Anh tổ chức vào tháng 6 vừa qua - sự kiện đã thu được 8,8 tỷ USD cam kết hỗ trợ liên minh vaccine toàn cầu Gavi để giúp triển khai các chương trình tiêm chủng bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Johnson đã nhận định tình trạng quan hệ quốc tế hiện tại là "hoàn toàn sai lầm", trong khi đề cao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các công tác của tổ chức này trong thời gian bùng phát dịch COVID-19.
Đánh giá của Thủ tướng Anh là hoàn toàn trái ngược với những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã cắt đứt quan hệ với cơ quan thuộc Liên hợp quốc này, sau khi cáo buộc WHO đã chậm trễ trong công tác ứng phó khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát. Tháng 4 vừa qua, Mỹ cũng bị cáo buộc can thiệp để chuyển hướng chuyến bay vận chuyển khẩu trang do Trung Quốc sản xuất lẽ ra là tới Đức. Giới chức Berlin chỉ trích đây là hành vi "cướp bóc thời hiện đại", song Washington phủ nhận điều này.