Máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của Nga (PAK DA) sẽ có khả tấn công mục tiêu ở nhiều nơi trên thế giới mà không cần rời khỏi không phận Nga nhờ tích hợp tên lửa hành trình tầm xa, theo RBTH.
Chuyên gia quân sự Nikolai Litovkin đánh giá PAK DA có tốc độ kém đáng kể so với Tu-160, trụ cột của không quân chiến lược Nga, cũng là mẫu máy bay mà PAK DA sẽ thay thế trong tương lai. Tuy nhiên, khác biệt này có thể được bù đắp bởi sự phát triển về công nghệ tên lửa hành trình trên oanh tạc cơ.
Không quân Nga đang sở hữu tên lửa tầm xa Kh-555 và Kh-101 có tầm bắn hơn 4.800 km, cho phép họ tấn công nhiều mục tiêu từ khoảng cách an toàn. Phiên bản mới nhất của Kh-101 chế tạo từ vật liệu hấp thụ sóng radar, có thể được lắp đặt trên khoang vũ khí ẩn trong thân PAK DA. Với tên lửa này, PAK DA có thể tấn công rất nhiều mục tiêu mà không cần phải rời khỏi không phận được lưới phòng không bảo vệ của Nga.
"Các tên lửa trên sẽ được tích hợp và nhận mọi thông tin về mục tiêu ngay từ trong thân oanh tạc cơ, giống như tiêm kích T-50 (PAK FA). Điều này sẽ giúp giảm diện tích phản xạ radar và lực cản của máy bay", giáo sư Vadim Kozyulin ở Viện Khoa học Quân sự Nga nhấn mạnh. Trước đây, các tên lửa phải gắn bên ngoài thân máy bay mới có thể nhận dữ liệu về vị trí mục tiêu trước khi phóng.
Các chuyên gia quân sự tin rằng PAK DA có khả năng mang tới 40 tấn vũ khí các loại, tương đương oanh tạc cơ Tu-160 hiện nay.
Dự án PAK DA được Nga khởi động từ năm 2009, do tập đoàn Topulev chịu trách nhiệm thiết kế. Mẫu máy bay này được phát triển với mục đích thay thế bộ ba oanh tạc cơ chiến lược của Nga hiện nay là Tu-22M3, Tu-95 và Tu-160.
PAK DA có thể bay khoảng 12.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu, đồng thời sở hữu khả năng tàng hình, cùng hệ thống tên lửa dẫn đường sử dụng trí thông minh nhân tạo. Oanh tạc cơ này dự kiến bay thử lần đầu tiên trước năm 2021 và lô đầu tiên sẽ được bàn giao cho không quân Nga vào năm 2023.