Chiều 19/6 đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin, tại cuộc hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chủ tịch Tập Cận Bình hi vọng Triều Tiên và Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ những điều khoản đạt được trong thoả thuận ký kết tại Singapore, trong đó Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hoá hoàn toàn, đổi lấy sự đảm bảo an ninh và nới lỏng cấm vận từ Washington.
Đài CCTV cho biết ông Tập Cận Bình ủng hộ kết quả đàm phán Mỹ-Triều và cho rằng đây là bước khởi đầu quan trọng để bán đảo Triều Tiên tiến tới tương lai hoà bình, ổn định.
Ngay trước thông tin chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng ông Kim Jong-un muốn thông báo với ông Tập Cận Bình về nội dung đàm phán với Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh Singapore hôm 12/6 và tham vấn về những bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng trong quan hệ với Washington.
Tờ Tsargrad của Nga bình luận việc thông tin rầm rộ về chuyến đi của ông Kim đến Bắc Kinh lần này không theo thông lệ, khi mà hai chuyến đi trước của ông đến Trung Quốc đều chỉ được thông báo sau khi đã kết thúc.
Theo các chuyên gia điều này cho thấy sự cởi mở hơn từ phía Bình Nhưỡng và ông Kim không còn e dè công khai tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đến các chính sách chiến lược của Triều Tiên thời điểm này.
Đặc biệt theo tờ Tsargrad, không ngoại trừ khả năng ông Kim mong muốn ông Tập sẽ công khai huỷ bỏ cấm vận với Triều Tiên. Khi mà về hình thức từ cuối năm 2017 tới nay Trung Quốc vẫn đang áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Triều Tiên tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore kết thúc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ nên hỗ trợ và hợp tác với các đối thoại ngoại giao hiện tại cũng như nhìn vào nỗ lực phi hạt nhân hóa của Triều Tiên để nới lỏng hoặc dỡ bỏ một số lệnh cụ thể với Bình Nhưỡng.
Video: Đoàn xe hộ tống ông Kim Jong-un trên đường phố Bắc Kinh
Theo nhận định của tờ Polit.ru, mặc dù một số thoả thuận đã đạt được giữa Mỹ-Triều, nhưng quá trình thực hiện phi hạt nhân hoá Triều Tiên sẽ cần rất nhiều thời gian, cũng như việc Mỹ-Triều song phương đàm phán sẽ khó có thể mang lại kết quả tốt. Hơn nữa, việc Mỹ tuyên bố chưa sẵn sàng gỡ bỏ từng bước lệnh trừng phạt với Triều Tiên cho thấy Mỹ không hề nhượng bộ, bằng chứng rõ ràng nhất là “47 điều Triều Tiên phải thực hiện” do Mỹ soạn thảo được gửi tới Bình Nhưỡng ngay sau hội nghị.
Do đó, việc Triều Tiên cần sự hậu thuẫn (cả về kinh tế và chính trị) của Trung Quốc nhằm tạo thế vững chắc cho những bước đàm phán tiếp theo với Mỹ là hết sức cần thiết.