Ông Thương đã tọa thiền ở miền mây trắng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thông tin từ gia đình họa sĩ, nhà thơ Lê Ký Thương cho hay ông từ trần lúc 9g50 sáng nay ngày 14/2 tại nhà riêng, hưởng thọ 80 tuổi. Bà Cao Kim Quy, người vợ tảo tần, thủy chung của họa sĩ, nhà thơ Lê Ký Thương viết trên trang cá nhân: “Sao lại chọn đúng ngày này, 14/2, để nói lời tạm biệt???”.
Họa sĩ, nhà thơ Lê Ký Thương (1946 - 2025)
Họa sĩ, nhà thơ Lê Ký Thương (1946 - 2025)

"Mỗi ngày tôi tập thiền bằng cách vẽ"

Họa sĩ, nhà thơ Lê Ký Thương (sinh năm 1946 tại phố biển Nha Trang), ông thành danh từ trước 1975, thuộc lớp lớn trong giới văn nghệ, nhưng với các bạn văn trẻ như chúng tôi, ông thật dễ gần dễ mến. Bởi với các bạn văn trẻ, ông Thương (cách gọi rất thương dành cho họa sĩ Lê Ký Thương) được biết đến như một nhà thơ “xịn”. Nhưng dù thơ của ông Thương “xịn” đến đâu thì ông vẫn là một họa sĩ với đầy đủ nghĩa của từ này.

Ông Thương không chỉ vẽ tranh với hàng chục cuộc triển lãm riêng và chung, ông còn làm bìa sách, trình bày báo, tạp chí thuộc hàng “đắc sô” và thường vẽ bìa sách miễn phí cho các văn sĩ trẻ. Những công việc “linh tinh” xung quanh “cây cọ” của ông Thương, suy cho cùng để mưu sinh và mưu vui. Vì với thơ bằng các ngôn từ dích dắc, ý nghĩa rối bời tạm gọi là lắm lời vốn không hợp với bản tính nghệ thuật của ông Thương.

Tranh của họa sĩ Lê Ký Thương thường vẽ về thiền cũng vì lẽ đó. Ông muốn đạt đến cảnh giới vô ngôn hoặc ít ra là “bập bẹ” tập nói như trẻ nhỏ. Nhưng vô ngôn thế nào được, khi màu sắc, đường nét cũng là một thứ ngôn ngữ mà ông Thương muốn cất lời. Ông Thương đã diễn dịch bằng mấy dòng tự bạch: “Mỗi ngày tôi tập thiền bằng cách vẽ, giống như người ta ngồi thiền. Đơn giản vậy thôi”.

Mới nghe, đúng là “đơn giản vậy thôi” nhưng không hề đơn giản tí nào. Bởi nếu thiền “đơn giản” vậy thì ai cũng có thể thiền và đạt đạo. Và nếu “đơn giản vậy”, ông Thương không cần phải lý giải: “Lạy tạ lá khô rơi/ Chết vui cho cành nẩy lộc”.

Ông Thương đã tọa thiền ở miền mây trắng ảnh 1

Tác phẩm Ngồi thiền của họa sĩ Lê Ký Thương

Do thiền không hề đơn giản giữa bao tạp niệm đang cố “cầm tù” con người. Nên nhiều người khi xem tranh của ông Thương phán rằng: Ông vẽ như vầy, trẻ con nhà tôi vẽ cũng được. Thay vì giận, ông Thương cười rất thiền: Tôi vẽ được như trẻ con là một niềm hạnh phúc.

Ông Thương thiền từng bước một, mỗi bước là một thế giới riêng có thể “đọc” được. Ông “thiền” vì một hạt cơm, bát nước, bầu sữa… hay một đấng vô hình. Những gì đang hiện hữu hoặc vô hình ở cõi trần này đều được ông Thương cúi mình “lạy tạ”. Ông lạy tạ cả một hơi thở vừa mượn của đất trời để hít vào và thở ra để trả lại.

Triển lãm gần đây nhất của ông Thương mang tên Lạy tạ vào năm 2009 tại gallery Tự Do sau gần chục triển lãm chung và riêng. Khi đó ông trưng bày rất nhiều tượng cóc và nhái bén. Nhắc thế để thấy, ông Thương thiền với những gì be bé, nho nhỏ chứ không phải thiền để làm nên một “công án” gì cao vời.

“Tôi sẽ thành triệu phú của tình yêu”

Nhà nghiên cứu văn học Lê Thiếu Nhơn đã viết về thơ của ông Thương: “Lê Ký Thương là một tên tuổi quen thuộc trong giới nghệ thuật Việt Nam và thành danh từ thời đôi mươi ở cả hai lĩnh vực mỹ thuật và văn chương. Ngoài ra, Lê Ký Thương còn là dịch giả với những cuốn sách gần gũi công chúng như Nàng tiên cá của Selma Lagerlof, Một nỗi đau riêng của Kenzaburo Oe, hoặc Tchékhov – cuộc đời và tác phẩm của Sophie Laffitte.

Đi vào nghệ thuật, Lê Ký Thương làm thơ song song vẽ tranh. Tập thơ đầu tay của Lê Ký Thương có tên gọi Bếp lửa còn thơm mùi bã mía in năm 1974, trình bày sự bức bối đô thị miền Nam giữa những ngày tháng ngột ngạt “phải tự đào trong lòng một hố sâu, nói vào đó những lời chân thật”.

Bằng thi ca, Lê Ký Thương đã nói lên nỗi ám ảnh mất mát chiến tranh, từ day dứt cá nhân “Tôi thấy tôi nằm trong băng ca/ tôi thấy băng ca nằm trong nhà xác/ tôi thấy nhà xác nằm cạnh bãi tha ma/ nơi đó bạn bè tôi vừa đến ngụ hôm qua” đến sẻ chia cộng đồng “Em bật khóc làm chi/ Khi trước mặt chúng ta/ những em bé áo quần tơ xác mướp, vớt vát từng miếng cơm thừa canh cặn/ Em còn nhớ không, nhớ không/ Hình ảnh những bác nông dân/ bị liệt vào thành phần tình nghi chờ thanh lọc/ bị giam giữa vòng kẽm gai/ trùng trục phơi nắng giữa đồng/ bên cạnh đàn bò thong dong gặm cỏ”.

Trong những gương mặt văn nghệ sĩ Nam Trung bộ, Lê Ký Thương có giọng điệu riêng. Ông trình bày thái độ rõ ràng và quyết liệt. Với niềm tự hào “Mẹ nuôi con bằng sữa chín con rồng/ pha nước sông Hồng bất tận/ và Mẹ gom lá Trường Sơn/ ấp ủ đàn con”, ông chọn con đường chung của một thế hệ trưởng thành khi non sông gian nan “tôi hợp cùng mọi người đấu tranh/ giành lại những gì chúng ta đã mất/ lời nói/ nụ cười/ câu thơ/ trang sách/ miếng cơm mặn mà hương vị Việt Nam/ những đoạn đường bị cấm ngặt lưu thông/ những tấc đất của núi rừng bị chiếm”.

Năm 1991, Lê Ký Thương đưa gia đình rời thành phố biển Nha Trang vào TP.HCM sinh sống. Có được môi trường thuận lợi, Lê Ký Thương thỏa sức viết và vẽ, với sự hỗ trợ của người vợ tảo tần: “Anh đã chọn con đường gian khổ/ Đâu bằng em chọn anh san sẻ cuộc đời/ Những đêm trắng, trắng trang giấy trắng/ Anh hiểu rằng: Em can đảm lắm, em ơi”.

Ông Thương đã tọa thiền ở miền mây trắng ảnh 2

Họa sĩ Lê Ký Thương và người vợ tảo tần Cao Kim Quy

Tập thơ thiếu nhi Góp nắng cho cây của Lê Ký Thương, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, khiến công chúng bất ngờ vì một tâm hồn trong trẻo. Lê Ký Thương thổ lộ, ông làm thơ cho cháu mình. Thế nhưng, thơ ông không mang bất kỳ sự răn dạy nào, mà thể hiện vẻ đẹp thánh thiện. Đây là chân dung một cô bé điệu đàng “Hạt cườm làm xâu chuỗi/ Hoa bưởi làm bông tai/ Cổ quàng khăn của mẹ/ Dép của bà - mang ké/ Bé soi gương làm duyên/ Hai má lúm đồng tiền/ Ửng hồng tia nắng sớm”. Đây là một trò chơi trẻ em: “Biển thì rộng mênh mông/ Dang tay ôm không xuể/ Bé đào chiếc hố con/ Nhốt biển cho đỡ nhớ”.

Không giả vờ ngây ngô, Lê Ký Thương dùng chính sự vô tư để viết thơ thiếu nhi: “Tờ lịch đứng dựa tường/ Suốt một tuần ngày đen/ Chỉ có một ngày đỏ/ Bố dắt em dạo phố/ Mẹ cho em ăn kem/ Em không thích ngày đen/ Chỉ thích toàn ngày đỏ/ Nhưng bố bảo như thế/ Thì ai làm ra kem/ Còn phố thì đóng cửa”.

Sau một thời gian đau ốm, trái tim nghệ sĩ của Lê Ký Thương đã ngừng đập. Một cuộc đời tài hoa đã khép lại, nhưng chắc chắn nhiều người vẫn nhớ đến ông, nhớ những ngày ông đã đắm say “Tôi tích lũy nỗi buồn nhiều hơn niềm vui/ Bây giờ yêu em để thêm giàu có/ Thế giới này mai sau không còn ai đau khổ/ Tôi sẽ thành triệu phú của tình yêu”.

Ông Thương đã tọa thiền ở miền mây trắng ảnh 3

Tang lễ của họa sĩ, nhà thơ Lê Ký Thương được tổ chức tại chung cư Mỹ Đức (hẻm 220 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM). Lễ nhập quan lúc 20g45 ngày 14/2. Lễ động quan lúc 11g Chủ nhật ngày 16/2. Sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên, Dĩ An, Bình Dương.

Phóng sự ảnh: Dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà nội” - tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực Thủ đô
Phóng sự ảnh: Dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà nội” - tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực Thủ đô
(Ngày Nay) - Chiều ngày 23/3, tại Hà Nội, nhóm Urban Sketchers Hà Nội – Ký họa đô thị Hà Nội đã chính thức công bố dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà Nội”. Đây là một hành trình nghệ thuật đặc biệt nhằm tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực phố cổ qua những nét vẽ ký họa tinh tế và các câu chuyện giàu cảm xúc.