Tuy nhiên, giá dầu thế giới sẽ biến động phức tạp, phụ thuộc nhiều vào bối cảnh tình hình cụ thể khi đó, vào nguồn cung dầu của các nhà nhập khẩu dầu lớn trên thế giới cũng như sản lượng khai thác của các nhà xuất khẩu dầu thế giới.
Giá dầu thế giới sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2016, khoảng 50 USD/thùng, theo dự báo của OPEC.
Không chỉ đưa ra dự báo ngắn hạn về giá dầu thế giới trong năm 2016, OPEC còn đưa ra dự báo dài hạn hơn, tới năm 2040, nhu cầu tiêu thụ nguồn năng lượng này của thế giới sẽ tăng 20%, khi đó giá dầu sẽ có giá trung bình khoảng 160 USD/thùng.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, giá 160 USD/thùng mà OPEC đưa ra không phải là dự báo mà chỉ là đề xuất do OPEC đưa ra nhằm sử dụng như kịch bản để thúc đẩy cung, cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới trong tương lai dài.
Theo OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới vào năm 2040 sẽ ở mức 109,8 triệu thùng/ngày, tăng thêm khoảng 18 triệu thùng/ngày so với năm 2014. Năm 2020, giá dầu thế giới sẽ ở mức gần 97,4 triệu thùng/ngày, tăng so với số liệu dự báo năm 2014 là 96,9 triệu thùng/ngày.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, kinh tế thế giới sẽ phát triển mạnh trong vòng 25 năm tới. So với năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2040 sẽ đạt khoảng 244%. Tốc độ tăng trung bình của nền kinh tế thế giới vào năm 2040 sẽ tăng ở mức 3,5%.
Theo tiết lộ của Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexey Ulyukaev, sản lượng xuất khẩu dầu của Nga trong tương lai trung hạn đến năm 2020 là 10,6 triệu thùng/ngày, năm 2025 là 10,7 triệu thùng/ngày và ấn định đến năm 2040 là 10,8 triệu thùng/ngày.
Liên quan đến sản lượng khai thác dầu của Nga, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù vẫn tiếp tục chịu nhiều sức ép từ việc giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), song sản lượng khai thác dầu của Nga sẽ ít chịu ảnh hưởng và tác động của các sức ép nêu trên.
Hữu Kỷ