Khoảng 4.400 vận động viên sẽ thi đấu tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật được tổ chức tại Tokyo. Một thành viên trong ban tổ chức sự kiện nhận định rằng sự kiện này cũng có thể sẽ giúp xã hội Nhật Bản thay đổi thái độ với người khuyết tật.
"Đây là một sự kiện đáng trân trọng", Suwa Masaaki - một vận động viên khuyết tật người Nhật Bản, chia sẻ. Dù bỏ lỡ cơ hội tham gia giải đấu năm nay, nhưng Suwa cho biết anh sẽ cổ vũ cho các đồng đội qua sóng truyền hình.
"Các vận động viên đang thế hiện những điều tuyệt vời, nhưng họ không phải là siêu nhân. Tôi mong mọi người hiểu rằng họ cũng chỉ là con người giống như các bạn", Suwa chia sẻ.
Đối với Suwa, đây là một thời điểm, một khoảnh khắc buồn vui đan xen lẫn lộn. Anh đã rất hy vọng được tranh tài trên chính quê hương của mình, nhưng khi không thể, anh đặt niềm tin vào các vận động viên khác, hy vọng họ sẽ thi đấu tốt để giúp người khuyết tật dành được sự công nhận của người dân.
Suwa Masaaki - một vận động viên chèo cano người Nhật Bản, cho biết sẽ cổ vũ các vận động viên đồng hương qua truyền hình. Ảnh: AFP |
"Tôi hy vọng Thế vận hội Paralympic sẽ là bàn đạp để mọi người có thể sống gần gũi, và cảm thông được với những người khuyết tật", Suwa bày tỏ.
Theo các nhà tổ chức Paralympic cho biết, cơ sở hạ tầng tại Nhật Bản đã có nhiều cải tiến, đặc biệt là về khả năng tiếp cận của người khuyết tật, bởi nhóm đối tượng này cũng quan trọng và cần nhận được sự hỗ trợ như những người dân lớn tuổi.
Chuyển biến còn hạn chế
Giới chức thủ đô Tokyo cho biết đang nỗ lực mở rộng quy mô hoạt động thang máy phục vụ người khuyết tật tại hệ thống các nhà ga xe lửa của thành phố.
Tính đến năm 2019, 82% ga tàu điện ngầm ở Tokyo có lối đi an toàn dành cho những hành khách bị khiếm thị, tăng đáng kể so với con số 56% vào năm 2013.
Tuy nhiên, ông Miki Matheson - Phó trưởng phái đoàn Paralympic Nhật Bản, nhấn mạnh rằng khả năng tiếp cận không giống như khả năng hòa nhập.
“Tôi thường bị coi như một người tàn tật khi quay trở lại Nhật Bản. Còn khi ở Canada, tôi sống mà không hề nhận ra vấn đề khuyết tật của mình", ông Matheson cho biết.
Các nhà hoạt động vì quyền lợi của người khuyết tật cho rằng nơi làm việc là một ví dụ điển hình cho thấy những rào cản vẫn còn tồn tại.
Theo quy định của chính phủ, người lao động khuyết tật phải chiếm ít nhất 2,3% nhân viên tại tất cả các công ty, và các công ty sẽ phải đối mặt với việc bị phạt một khoản tiền nhất định nếu không tuân thủ quy định này.
Vào năm 2018, chính phủ đã từng phải lên tiếng xin lỗi vì công bố số liệu thiếu chính xác, cao hơn mức thực tế ghi nhận về số lượng người khuyết tật tham gia làm việc tại cơ quan nhà nước, để đáp ứng đủ chỉ tiêu đề ra.
Fujita Motoaki - giảng viên tại Đại học Nihon Fukushi và là một chuyên gia nghiên cứu về thể thao người khuyết tất, cho rằng Nhật Bản đã trở nên hòa nhập hơn, "nhưng sự thay đổi, chuyển biến này vẫn còn hết sức hạn chế."
Theo khảo sát do nhóm nghiên cứu của ông Fujita thực hiện hồi năm ngoái, khoảng 57% trong số những người được hỏi cho biết họ "chắc chắn hoặc phần nào" tin rằng người khuyết tật khó có thể sống hoà nhập với những người bình thường. Con số này thấp hơn không đáng kể so với mức 61% được ghi nhận trong một cuộc thăm dò tương tự vào năm 2014.
"Chất xúc tác" từ Paralympic
Thế vận hội Paralympic sẽ diễn ra mà gần như không có khán giả tham dự do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Một số người đã bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể làm giảm tác động của sự kiến đối với xã hội Nhật Bản.
“Paralympic là một cơ hội rất tốt để có thể thay đổi quan điểm lâu nay của mọi người”, theo ông Toda Shigeo - lãnh đạo một viện nghiên cứu về lối sống của người khuyết tật tại Tokyo. “Nhưng chúng tôi cho rằng động lực cho sự thay đổi có thể sẽ giảm đi nếu mọi người không thể tận mắt chứng kiến sự kiện này”.
Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons thừa nhận lệnh cấm khán giả đến dự khán tại giải đấu là "một thách thức", nhưng nhấn mạnh rằng các diễn biến của sự kiện thể thao này sẽ được phát sóng đến hàng tỷ người trên khắp thế giới.
“Chính Thế vận hội Paralympic là một chất xúc tác. Khoảnh khắc mọi người nhìn thấy các vận động viên thi đấu, đó là lúc sự thay đổi thực sự xảy ra", ông Parsons khẳng định.