Đầu tiên, một phần đuôi của hóa thạch khủng long được phát hiện trong cuộc khai quật chung được thực hiện bởi Bảo tàng Hobetsu và Bảo tàng Đại học Hokkaido năm 2013.
Các cuộc khai quật sau đó đã phát hiện ra một bộ xương khủng long gần như hoàn chỉnh, được mô tả trong một nghiên cứu được công bố trên báo cáo khoa học. Nó thuộc về một chi mới của một loài khủng long ăn cỏ hadrosaurid.
Các nhà khoa học đặt tên cho loài khủng long này là "Kamuysaurus japonicus". Tên này được ghép bởi "kamuy" có nghĩa là "thần" trong ngôn ngữ của người Ainu, "saurus", có nghĩa là bò sát trong tiếng Latin; và "japonicus" là Nhật Bản.
Một nhóm các nhà nghiên cứu do ông Yoshitsugu Kobayashi dẫn đầu từ Bảo tàng Đại học Hokkaido đã phân tích bộ xương này sau đó.
Hóa thạch khủng long được tìm thấy rất có thể là một con trưởng thành, theo các nhà nghiên cứu. Nó dài khoảng 8m và nặng 4 tới 5,3 tấn, tùy thuộc vào việc nó đi bằng hai hoặc bốn chân, trọng lượng tương đương một con voi châu Á.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra loài khủng long này có 3 đặc điểm không giống với các loài khủng long có cấu trúc sinh học tương tự khác: vị trí xương sọ thấp, xương hàm to và độ nghiêng về phía trước của các gai thần kinh thứ sáu đến thứ mười hai ở đốt sống lưng.
Các nhà khoa học quan tâm đến dòng tộc của loài Kamuysaurus japonicus mới này cũng như so sánh với các họ hàng gần của nó. Rất có khả năng loài này có chung nguồn gốc với dòng khủng long mỏ vịt ở Bắc Mỹ và di cư sang châu Á qua Alaska.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia cũng cho thấy rằng loài khủng long này thích sống ở các khu vực gần đại dương. Môi trường bờ biển có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các chi trong quá trình tiến hóa của chúng.