Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences, các nhà khoa học đã phát hiện loài kiến có thể ngửi thấy mùi của bệnh ung thư trong nước tiểu.
Theo tờ Independent, đây là lần đầu tiên giới khoa học tìm ra khả năng này của loài kiến.
Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Patrizia d’Ettorre tại Đại học Sorbonne Paris Nord (Pháp) bày tỏ hy vọng loài kiến có thể được sử dụng như một công cụ sinh học để phân biệt giữa những người khỏe mạnh với những người mang tế bào ung thư.
“Chúng dễ huấn luyện, học nhanh, rất hiệu quả và chi phí nuôi không tốn kém”, bà d’Ettorre nhấn mạnh.
Trước đây, Giáo sư d’Ettorre và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện loài kiến có thể đánh hơi được các tế bào ung thư ở người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Trong phát hiện mới nhất, họ đã cho 70 con kiến thuộc loài Formica fusca tiếp xúc với các mẫu nước tiểu của chuột. Họ đã huấn luyện chúng ngửi mùi ung thư bằng cách bôi mùi đó lên các phần thưởng để chúng đi tìm kiếm. Nhờ có khứu giác rất nhạy bén, sau ba lần thử nghiệm ít ỏi, những con kiến đã có thể phân biệt được mùi nước tiểu của chuột khỏe mạnh với chuột ung thư.
“Chúng tôi rất bất ngờ về mức độ hiệu quả và đáng tin cậy của loài kiến”, nghiên cứu kết luận. Trong thời gian tiếp theo, các nhà nghiên cứu muốn kiểm tra xem liệu loài kiến có thể phát hiện tương tự đối với nước tiểu của con người hay không.
Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng loài chó có thể phát hiện ung thư từ mùi nước tiểu sau khi được huấn luyện.
Ngoài ra còn có những thiết bị điện tử có thể phát hiện một số loại ung thư - chẳng hạn như bàng quang, vú hoặc tuyến tiền liệt – từ các mẫu nước tiểu.
Tuy nhiên, mũi con người không đủ nhạy bén để nhận ra mùi ung thư trong nước tiểu.