Phát biểu tại buổi Lễ, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở pháp lý, tiền đề quan trọng về lĩnh vực bảo tồn và phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Khu bảo tồn tổ chức công khai đề án để cá nhân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm khảo sát, xây dựng ý tưởng, lập dự án đầu tư cùng với đơn vị, từ đó tạo đột phá trong phát triển du lịch của địa phương.
Đề án được thực hiện trên tổng diện tích tự nhiên trên 100 nghìn ha do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý, gồm diện tích có rừng và chưa có rừng; các hệ sinh thái chính và nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên. Các sản phẩm du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai gồm: Du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch thể thao và khám phá; du lịch vui chơi, giải trí tổng hợp; du lịch sinh thái kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khoa học, nghiên cứu, thực tập, giáo dục môi trường; dịch vụ nhà hàng ăn uống, ẩm thực, mua sắm.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021 - 2030 là căn cứ quan trọng để đơn vị kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng.
Ngày 9/5/2016, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập đề án quy hoạch phát triển du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đến năm 2030. Sau hơn 7 năm triển khai, xây dựng, đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, có 51 điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ có khả năng liên kết theo tuyến, theo chủ đề, tiếp cận theo sản phẩm du lịch và các hệ sinh thái. Tổng vốn đầu tư cho đề án này là trên 991 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 20 tỷ đồng và 971 tỷ đồng kêu gọi đầu tư.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có hơn 1.550 loài thực vật và hơn 1.780 loài động vật với nhiều loài quý, hiếm, đặc hữu. Nơi đây thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn; là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới. Khu bảo tồn là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam. Năm 2011, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai...