Quan điểm nêu trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ khi thảo luận tổ về đề án tái cơ cấu kinh tế, sáng 22/10. Lãnh đạo Chính phủ cho biết tới đây, nhà điều hành sẽ dùng nguồn lực Nhà nước mạnh hơn để xử lý ngân hàng yếu kém, nhất là mạnh dạn thí điểm cho phép phá sản ngân hàng yếu. Việc này được thực hiện dựa trên cơ sở bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, không để xảy ra hiệu ứng “domino” an toàn hệ thống.
"Nhà nước không thể cứu mãi các ngân hàng làm ăn yếu kém", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh. Ông Huệ cho rằng việc này sẽ cảnh tỉnh được nhiều ngân hàng cổ phần hiện nay. "Nếu cứ làm ăn yếu kém rồi lại để Nhà nước lo bằng cách mua lại 0 đồng mãi là không thể được", ông nói.
Trước đó, trong tờ trình Quốc hội về đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ cho biết, trong số ít trường hợp, có thể sử dụng một số nguồn lực Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Chính phủ khẳng định kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính trong 2 năm tới.
Tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng nhấn mạnh không được lẫn lộn dùng ngân sách Nhà nước và nguồn lực Nhà nước trong xử lý nợ. Thực chất nguồn lực Nhà nước đã được sử dụng để xử lý vấn đề này, khi các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu thì chỉ phải đóng thuế 25%; hay việc cho VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt thông qua tái cấp vốn...
Trước đó, khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, khi vận hành nền kinh tế theo có chế thị trường thì phải chấp nhận cho giải thể, phá sản. “Ngân hàng yếu kém, bết bát quá thì cứu mãi sao được. Người dân và xã hội cần ồn định, thị trường cần minh bạch mà mình cứ chạy theo các ngân hàng yếu kém là thiếu minh bạch”, ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính, lâu nay Nhà nước vẫn dùng ngân sách gián tiếp như yêu cầu các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Phương án này đồng thời cũng đẩy tăng chi phí của các ngân hàng, khiến lãi suất khó xuống thấp. "Nói cách khác, chi phí này người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phải chịu", ông Dũng phân tích.
Hơn nữa, trích lập dự phòng rủi ro tăng lên sẽ ảnh hưởng đến lợi tức, đến thu nhập doanh nghiệp và từ đó ảnh hưởng đến ngân sách. Do đó, theo quan điểm của Bộ trưởng Tài chính, ngân sách sẽ không chi khoản nào trực tiếp để xử lý vấn đề nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.