Theo tờ Politico, chính quyền Tổng thống Biden đang âm thầm chuẩn bị cho khả năng cuộc phản công mùa xuân của Ukraine đạt kết quả không như mong đợi, khi đó những người chỉ trích trong nước và các đồng minh ở nước ngoài sẽ lập luận rằng Mỹ cũng đã thất bại.
Tuyên bố công khai và đánh giá bí mật
Cuộc phản công sắp xảy ra của Ukraine sẽ nhằm tìm cách giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát ở phía Đông và phía Nam đất nước, mặc dù vì lý do bảo đảm bí mật, không có quan chức cấp cao nào từ Kiev có thông tin chi tiết cụ thể.
Về mặt công khai, đội ngũ của Tổng thống Joe Biden đã cam kết kiên định hỗ trợ cho Ukraine, cung cấp vũ khí và viện trợ kinh tế cho nước này “chừng nào còn cần thiết”. Tuy nhiên, nếu cuộc giao tranh sắp xảy ra mang lại lợi ích hạn chế, các quan chức chính quyền đã chia sẻ riêng rằng họ sợ phải đối mặt với sự tấn công đến từ cả phe "diều hâu" và ôn hòa.
Một bên sẽ nói rằng cuộc phản công của Ukraine đã đạt hiệu quả nếu chính quyền Mỹ cung cấp cho Kiev mọi thứ họ yêu cầu, như tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu và nhiều hệ thống phòng không hơn. Bên kia sẽ tuyên bố, hạn chế của Ukraine chứng tỏ rằng họ không thể buộc Nga rời khỏi lãnh thổ của mình hoàn toàn.
Lo ngại đó thậm chí còn chưa tính đến phản ứng từ các đồng minh của Mỹ, chủ yếu ở châu Âu, những người có thể coi đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga là một lựa chọn hấp dẫn hơn nếu Kiev không thể chứng minh rằng chiến thắng của họ đã cận kề.
Bên trong chính quyền, các quan chức được Politico phỏng vấn, nhấn mạnh rằng họ đang làm mọi thứ có thể để cuộc phản công mùa xuân thành công.
“Chúng tôi gần như đã hoàn thành các yêu cầu mà (Ukraine) nói rằng họ cần cho cuộc phản công vì chúng tôi đã chuyển vũ khí và thiết bị tới Ukraine trong vài tháng qua", một quan chức chính quyền giấu tên, vì lý do nội bộ, nói với Politico.
Nhưng niềm tin vào mục tiêu chiến lược là một chuyện. Niềm tin vào chiến thuật là một chuyện khác, và đằng sau những cánh cửa đóng kín, chính quyền Mỹ đang lo lắng về những gì Ukraine có thể đạt được.
Những lo ngại đó gần đây đã lộ ra ngoài trong vụ rò rỉ thông tin mật trên mạng xã hội. Một đánh giá tuyệt mật từ đầu tháng 2 đã tuyên bố rằng Ukraine sẽ "bỏ lỡ xa" các mục tiêu phản công của mình. Trong khi đó, đánh giá hiện tại của Mỹ là Ukraine có thể đạt được một số tiến bộ ở phía Nam và phía Đông, nhưng sẽ không thể lặp lại thành công hồi năm ngoái.
Ukraine đã hy vọng cắt đứt được hành lang trên bộ của Nga với Crimea, và các quan chức Mỹ hiện đang nghi ngờ về điều đó - theo hai quan chức chính quyền quen thuộc với bản đánh giá nói trên tiết lộ. Nhưng Lầu Năm Góc vẫn hy vọng rằng Ukraine sẽ cản trở được các tuyến tiếp tế của Nga ở đó, ngay cả khi một chiến thắng toàn diện trước Moskva quá khó đạt được.
Hơn nữa, theo các quan chức trên, tình báo Mỹ chỉ ra rằng Ukraine đơn giản là không có khả năng đẩy quân đội Nga ra khỏi nơi họ đã cố thủ vững chắc. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì nói rằng Mỹ đã không trang bị đầy đủ cho lực lượng của ông, và vì vậy, cho đến lúc đó, cuộc phản công không thể bắt đầu.
Điều chỉnh mục tiêu khiêm tốn hơn?
Các quan chức Mỹ được Politico phỏng vấn cũng cho biết, họ có niềm tin rằng Kiev sẵn sàng xem xét điều chỉnh các mục tiêu của mình và một mục tiêu khiêm tốn hơn có thể dễ thuyết phục hơn là một chiến thắng.
Theo nguồn tin này, đã có cuộc thảo luận về việc định hình mục tiêu đối với người Ukraine là một "lệnh ngừng bắn" chứ không phải là các cuộc đàm phán hòa bình vĩnh viễn, để ngỏ cho Ukraine giành lại nhiều lãnh thổ hơn vào một ngày trong tương lai. Các ưu tiên sẽ phải được trao cho Kiev, có thể là đảm bảo an ninh giống như NATO, trợ giúp kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU), viện trợ quân sự nhiều hơn để bổ sung và tăng cường lực lượng của Ukraine... Và đội ngũ của ông Trump đã bày tỏ hy vọng tái hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy Tổng thống Putin ngồi vào bàn đàm phán.
Nhưng điều đó vẫn dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan là không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và phản ứng gay gắt của những người chỉ trích bên trong nước Mỹ như thế nào.
Kurt Volker, đặc phái viên về Ukraine dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, cho biết: “Nếu cuộc phản công không diễn ra suôn sẻ, chính quyền chỉ có thể tự trách mình vì đã giữ lại một số loại vũ khí, giữ lại viện trợ vào thời điểm cần thiết nhất”.
Khi cuộc phản công không đạt được kỳ vọng
Một cuộc phản công không đáp ứng được kỳ vọng cũng sẽ khiến các đồng minh châu Âu đặt câu hỏi rằng họ có thể còn bị thua thiệt bao nhiêu nếu chiến thắng của Kiev ngày càng xa vời.
“Sự hỗ trợ của công chúng châu Âu có thể giảm dần theo thời gian khi chi phí kinh tế và năng lượng của châu Âu vẫn ở mức cao. Một sự ủng hộ xuyên Đại Tây Dương bị rạn nứt sẽ tổn hại sự ủng hộ trong nước của Mỹ, và Chính quyền Biden, Quốc hội có thể chật vật để duy trì nó", Clementine Starling, giám đốc và thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, D.C., nhận xét.
Nhiều quốc gia châu Âu cũng có thể thúc đẩy Kiev chấm dứt giao tranh. “Một cuộc phản công tồi sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi về kết quả của cuộc chiến sẽ như thế nào và mức độ mà giải pháp thực sự có thể đạt được bằng cách tiếp tục chỉ gửi vũ khí và viện trợ quân sự", ông Starling nói.
Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu của ông đã công khai nhấn mạnh rằng Tổng thống Zelensky chỉ nên bắt đầu đàm phán hòa bình khi ông ấy sẵn sàng. Nhưng Washington cũng đã thông báo cho Kiev một số thực tế chính trị: vào một thời điểm nào đó, đặc biệt là khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, tốc độ viện trợ của Mỹ có thể sẽ chậm lại. Các quan chức ở Washington, mặc dù không thúc ép Kiev, nhưng đã bắt đầu chuẩn bị cho những cuộc đối thoại đó có thể diễn ra như thế nào và hiểu rằng đây có thể là một thỏa thuận chính trị khó khăn trong nước đối với ông Zelensky.
Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Nếu Ukraine không thể giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường, câu hỏi chắc chắn sẽ đặt ra là liệu đã đến lúc đàm phán ngừng giao tranh hay chưa. Nó quá đắt đỏ, chúng tôi sắp hết đạn dược, chúng tôi có những tình huống dự phòng khác trên khắp thế giới cần chuẩn bị.”
Đầu tháng này, ông Andriy Sybiha, Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, nói với Financial Times rằng Ukraine sẵn sàng đàm phán nếu lực lượng của họ tiến đến được ngưỡng cửa Crimea. “Nếu chúng tôi thành công trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trên chiến trường và khi chúng tôi có biên giới hành chính với Crimea, chúng tôi sẵn sàng mở (một) trang ngoại giao để thảo luận về vấn đề này", ông nói.