“Tôi sẽ chỉ nói với các bạn rằng Mỹ sẽ sẵn sàng điều máy bay và tàu chiến tới bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào chúng tôi cần có mặt. Đó là cam kết chúng tôi đưa ra với khu vực”, ông Goldfein trả lời khi được hỏi về mức độ răn đe của các hoạt động tuần tra của Mỹ nhằm chống lại các hành động đơn phương của Trung Quốc tại khu vực trong chuyến thăm hồi tuần trước tới Philippines.
Được biết, tham mưu trưởng Goldfein và chỉ huy Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Charles Brown có mặt tại thủ đô Manila (Philippines) vào ngày 16.8 và đã nói chuyện với một nhóm phóng viên quốc tế thông qua một cuộc họp ngắn qua điện thoại. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh dư luận Philippines đang ngày càng bất bình trước các hành vi xâm nhập của tàu chiến Trung Quốc vào vùng biển nước này từ tháng 2 đến đầu tháng 8 năm nay.
Tướng Goldfein nhấn mạnh mọi vi phạm đối với "quy tắc trật tự quốc tế" đều đáng quan ngại. "Thẳng thắn mà nói, bất cứ hoạt động trên biển hoặc trên không kể cả các hoạt động về không gian và trên mạng vốn đang gia tăng hiện nay, phải tuân thủ các quy tắc quốc tế về trật tự chung. Bởi vậy, bất cứ ai trong khu vực vi phạm điều này, đây cũng là vấn đề đáng quan ngại”.
“Vì vậy, một phần trong sự tham gia và hiện diện của chúng tôi ở đây là để đảm bảo các khu vực quốc tế chung phải thuộc về tất cả mọi người. Mọi người, trong đó có Trung Quốc, đều hưởng lợi khi có tự do hàng hải”, ông Goldfein nói thêm.
Trong khi đó, chỉ huy Lực lượng không quân Charles Brown khẳng định rằng các hoạt động tuần tra thường xuyên của Mỹ đảm bảo tự do hàng hải và hàng không (FONOP) ở Biển Đông nhằm mục đích răn đe chống lại bất cứ nỗ lực “bẻ cong” quy tắc nào và đảm bảo các tuyến giao thông quốc tế luôn mở cửa cho máy bay và tàu thuyền quốc tế lưu thông.
"Chúng tôi phải làm rõ như thế cho bất kỳ ai có ý định không tuân theo trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc hiện hành, dù bất kể đó là ai đi nữa. Vì vậy, một phần trong các hoạt động của chúng tôi là để chứng minh thực tế rằng mọi người đều có quyền tự do di chuyển trên không hoặc trên biển bất kể họ thuộc quốc gia nào, luật pháp quốc tế đã ghi rất rõ", tướng Brown cho biết.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ.
Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng ngày càng gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ Trung – Mỹ, bao gồm một cuộc chiến thương mại, các chế tài của Mỹ và vấn đề Đài Loan. Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chuyển nhiều khí tài và lực lượng của mình từ Trung Đông sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.