Với phương châm "Kỷ luật là sức mạnh của quân đội", mọi quân đội trên thế giới đều sở hữu đội ngũ nhân lực kỷ luật, có thể điều động trong thời gian ngắn để bổ sung cho các dịch vụ dân sự trong trường hợp khẩn cấp. Một số lực lượng vũ trang tại một số quốc gia còn được trang bị kỹ lưỡng trong việc ứng phó với chiến tranh sinh học, chiến tranh hóa học, các vụ khủng hoảng, những tình trạng khẩn cấp trong và ngoài nước. Tại một số quốc gia, quân đội còn sở hữu năng lực chuyên môn rất cao về dịch tễ và virus học.
Theo ông Euan Gramham, thành viên cấp cao về An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri–la, việc quân đội tham gia ứng phó trước đại dịch có thể coi như một trách nhiệm hiển nhiên. Sự đóng góp của các lực lượng vũ trang trong những sự kiện này tiết lộ nhiều điều về mối quan hệ quân sự-dân sự, cùng khả năng phục hồi của một quốc gia.
Những phòng tuyến vững chắc
Bên cạnh những kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ cuối năm 2020 và trong năm 2021 tại các quốc gia đã ghi nhận sự tham gia của quân đội và lực lượng vũ trang nhằm bảo đảm hệ thống vận hành bình thường. Trong rất nhiều trường hợp, quân đội của các nước đã hỗ trợ vận chuyển, hộ tống vaccine từ nhà máy đến các trung tâm phân phối, cùng đội ngũ quân y cũng góp phần đẩy nhanh quá trình tạo miễn dịch cộng đồng.
Là quốc gia đầu tiên phát hiện ra sự lây lan của COVID-19, quân đội Trung Quốc đóng vai trò nổi bật ngay từ những ngày đầu của dịch bênh. Theo ước tính, có ít nhất 10.000 binh sĩ quân y thuộc Lực lượng Bảo đảm Hậu cần Quân ủy Trung ương Trung Quốc đóng tại Vũ Hán đã được huy động để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong thành phố và toàn tỉnh Hồ Bắc.
Lực lượng này cũng nhận các nhiệm vụ hậu cần như cấp phát thuốc, thực phẩm cho bệnh viện và người dân đang ở trong vòng phong tỏa. Các chuyên gia về dịch tễ học từ Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc đã có mặt ở Vũ Hán ngay từ tháng Giêng năm 2020 với trọng trách phát triển một loại vaccine chống lại virus mới.
Tại Mỹ, giữa làn sóng dịch bệnh năm 2020, lực lượng quân y nước này được triển khai đến những điểm nóng như Los Angeles và New York để giảm tải cho hệ thống y tế dân sự ở đây. Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo lập các nhóm bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia trị liệu hô hấp quân y để triển khai đến các bệnh viện miền Nam, nơi đang rơi vào tình trạng khó khăn khi COVID-19 tiếp tục bùng phát. Các hoạt động sử dụng lực lượng quân đội chi viện cho dịch bệnh đã được Mỹ thực hiện từ đầu năm 2020 và kéo dài cho đến hiện tại.
Tại Hàn Quốc, các binh sĩ thuộc Bộ chỉ huy Hóa học, Sinh học, Phóng xạ và Hạt Nhân luôn đứng trong hàng ngũ tuyến đầu khi thực hiện nhiệm vụ khử trùng các cơ sở và bệnh viện tại Daegu, nơi từng là ổ dịch lớn nhất. Trong một diễn biến đáng chú ý, khi các đường bay thương mại từ Hàn Quốc tới Myanmar bị đình chỉ, hai máy bay vận tải của quân đội đã được điều động để thu gom các thiết bị phòng chống dịch từ một nhà máy thuộc sở hữu của Hàn Quốc tại Myanmar.
Nhật Bản là quốc gia không có quân đội, mà chỉ duy trì lực lượng mang chức năng tự vệ - phòng vệ. Dù vậy, đất nước "mặt trời mọc" lại có thế lực quân sự nằm trong Top 5 nước mạnh nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Các biện pháp nghiêm ngặt đã được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) triển khai. SDF có kinh nghiệm lâu dài trong việc triển khai cho các trường hợp phi quân sự khẩn cấp. Cho đến nay, SDF vẫn nắm vai trò chủ chốt trong việc kiểm dịch hành khách tại các sân bay quốc tế, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, vận tải và khử khuẩn. Sự tham gia của SDF càng được tăng cường sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp tại quốc gia này.
Về phía Đông Nam Á, theo Thông tấn xã Philippines, lực lượng vũ trang của quốc gia này là đơn vị nòng cốt vận chuyển vaccine cũng như trang thiết bị y tế. Quân đội cũng hỗ trợ trong việc đưa người lao động về quê, giúp vận chuyển các túi lương thực đến người dân ở vùng cách ly.
Quân đội Campuchia trong chiến dịch đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các “Khu vực đỏ” ở Phnom Penh (Ảnh: Nhân Dân)
Tại Campuchia, Thủ tướng Hunsen đã huy động các lực lượng quân y tham gia điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 sau khi lượng bác sĩ và tình nguyện viên tuyến đầu kiệt sức vì số ca lây nhiễm ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê của WorldOMeters, tính đến cuối tháng 8/2021, Campuchia đã có tổng số 91.399 ca dương tính với COVID-19 trên tổng số hơn 15 triệu dân.
Theo ông Josep Borrell, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Đại diện Cấp cao về Đối ngoại và Chính sách An Ninh, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang cho chúng ta “cơ hội suy ngẫm để cải thiện khả năng phục hồi của mình”. Ông kêu gọi các nước “hãy sử dụng các sáng kiến quốc phòng để phát triển các khả năng ứng phó cần thiết, giải quyết những tình huống tương tự có thể xuất hiện trong tương lai, khi sức khỏe đã trở thành một vấn đề có tính an ninh”.
Câu chuyện từ Việt Nam
Kể từ khi đại dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, quân đội đã tích cực tham gia vào công tác phòng chống đại dịch, thực hiện mục tiêu kép cùng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Từ thời gian đầu của dịch bệnh, quân đội là đơn vị chủ lực tiếp nhận, cách ly công dân từ các quốc gia có dịch về nước. Các đơn vị đã dồn nơi ăn ở, huấn luyện và học tập của chiến sĩ, dành diện tích cho khu cách ly. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn quân đã triển khai 180 điểm cách ly công dân, trong đó có 75 điểm đang có công dân. 229.589 người đã được tiếp nhận cách ly, 216.429 người hoàn thành cách ly và 13.151 người hiện đang cách ly. Tại các điểm cách ly, bộ đội địa phương, quân y, nhân viên y tế... hằng ngày thực hiện việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phục vụ ăn uống cho công dân.
Bộ đội dọn ra rừng ở, nhường doanh trại cho người cách ly tại Bắc Giang. (Ảnh: TTXVN) |
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, khẳng định việc tăng cường các lực lượng, trong đó có công an, quân đội, là vấn đề cần thiết và mang tính quyết định trước tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.
Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của biến chủng Delta trong làn sóng thứ 4, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ và sinh viên từ các học viện quân y... đã gấp rút lên đường chi viện cho miền Nam, khi hệ thống y tế và cung ứng dân sự của thành phố đã trở nên quá tải.
Với nhiệm vụ chăm sóc y tế, lực lượng quân y tham gia vào khâu tầm soát dịch bệnh, khám chữa và điều trị F0; tham gia vào hệ thống tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân. Hiện tại đang có khoảng 4000 bác sĩ, y tá, điều dưỡng và học viên quân y thuộc quân đội được tăng cường vào TPHCM. Trong đó khoảng 2.300 bác sĩ được bổ sung cho các bệnh viện dã chiến.
Bộ Quốc phòng quyết định chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y miền Đông để điều trị cho bệnh nhân COVID-19; thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID vừa và nặng tại Bệnh viện 175; bổ sung nhiều thiết bị y tế cho công tác chữa trị cho các bệnh nhân.
Chốt phòng dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: VnExpress) |
Các chiến sĩ cũng tham gia kiểm soát các tổ, chốt, trạm kiểm soát cố định và cơ động tại các tỉnh thành phố; kiểm soát dọc các tuyến giao thông, đường mòn, lối mở ở biên giới; tham gia giữ gìn trật tự an ninh trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.
Với hệ thống vận tải sẵn có, quân đội thực hiện vai trò vận chuyển nhân lực, hàng hóa, vận tư thiết yếu tới vùng có dịch. Tại các điểm nóng về dịch bệnh như TPHCM hay Bình Dương, quân đội thành lập những tổ công tác, nhóm cung cấp lương thực, thực phẩm trao tận tay cho người dân. Song hành cùng việc đáp ứng nhu yếu phẩm, các chiến sĩ cũng cung cấp thông tin, cập nhật chính sách mới nhất tới từng địa bàn dân cư.
Các chiến sĩ phân phối thực phẩm đến từng hộ gia đình (Ảnh: Thanh Niên)
Quân đội cũng thành lập đơn vị tham gia vào việc lo hậu sự cho những người không may qua đời vì COVID-19. Các đơn vị đã thay mặt gia đình, thực hiện từ khâu khâm liệm đến bàn giao tro cốt cho người nhà. Với những gia đình chưa thể nhận tro cốt, Bộ Tư lệnh TPHCM lưu giữ, hương khói đầy đủ, thể hiện trọn vẹn đạo lý của người Việt Nam.
Tựu trung, quân đội Việt Nam cùng các lực lượng vũ trang trên thế giới đã và đang tham gia một cách đáng kể vào việc ứng phó với quy mô và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây nên. Dù không hướng đến mục đích phục vụ như một bộ phận hỗ trợ cho các dịch vụ dân sự khẩn cấp, nhưng lực lượng này vẫn đóng góp những nỗ lực quan trọng trong việc chỉ huy, kiểm soát, hậu cần cũng như hỗ trợ y tế chuyên khoa.