Quân nhân Mỹ vượt biên sang Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vụ việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và liên minh Mỹ-Hàn Quốc đang trở nên căng thẳng.
Quân nhân Mỹ vượt biên sang Triều Tiên

Các hãng thông tấn lớn như AP và Reuters đã tiếp cận nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ để xác minh sự việc, nhưng thông tin ban đầu chỉ cho biết công dân Mỹ mới bị bắt giữ tại Triều Tiên là một quân nhân.

Cụ thể, một công dân Mỹ khi đang trong chuyến tham quan đến làng biên giới Bàn Môn Điếm đã vượt biên bất hợp pháp sang Triều Tiên và hiện bị bắt giữ. Hiện Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, đơn vị giám sát khu vực phi quân sự, đang đàm phán với các nhà chức trách Triều Tiên để giải quyết vụ việc.

Bàn Môn Điếm nằm bên trong khu phi quân sự dài 248 km, được Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc và quân đội Triều Tiên cùng giám sát kể từ khi được thành lập vào cuối Chiến tranh Triều Tiên. Đây là nơi diễn ra nhiều cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên và là một điểm du lịch nổi tiếng.

Các tour du lịch đến phía nam của ngôi làng không có người ở này được cho là đã thu hút khoảng 100.000 du khách mỗi năm trước đại dịch COVID-19 bùng phát và mới chỉ được nối lại kể từ năm ngoái.

Vụ đụng độ nổi tiếng nhất tại Bàn Môn Điếm xảy ra vào tháng 8 năm 1976, khi hai sĩ quan quân đội Mỹ thiệt mạng sau khi xô xát với binh sĩ Triều Tiên. Vụ tấn công đã khiến chính quyền Washington điều động máy bay ném bom B-52 tới DMZ để đe dọa Triều Tiên.

Đã có một số ít binh lính Mỹ trốn sang Triều Tiên trong Chiến tranh Lạnh, trong đó có Charles Jenkins, người đã đào ngũ tại Hàn Quốc vào năm 1965 và chạy trốn qua khu phi quân sự. Jenkins sau đó xuất hiện trong các bộ phim tuyên truyền của Triều Tiên và kết hôn với một sinh viên y tá Nhật Bản. Ông qua đời tại Nhật Bản vào năm 2017.

Trong những năm gần đây, một số người Mỹ đã bị bắt giữ tại Triều Tiên sau khi bị cáo buộc vào nước này từ phía biên giới Trung Quốc. Những người này bị kết tội gián điệp, nhưng thường được trả tự do sau khi chính phủ Mỹ cử các phái bộ cấp cao đến đàm phán.

Vào tháng 5 năm 2018, Triều Tiên đã trả tự do cho 3 người Mỹ bị giam giữ, bao gồm Kim Dong Chul, Tony Kim và Kim Hak Song, những người đã trở về Mỹ trên một chiếc máy bay cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Cuối năm 2018, Triều Tiên tuyên bố đã trục xuất một công dân Mỹ tên Bruce Byron Lowrance.

Một vụ trao đổi công dân nổi tiếng khác đó là trường hợp của Otto Warmbier, sinh viên đại học người Mỹ đã qua đời vào năm 2017 vài ngày sau khi được đưa về Mỹ trong tình trạng hôn mê sau 17 tháng bị giam cầm tại Triều Tiên.

Cuộc vượt biên hôm thứ Ba diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa biên giới hai miền gia tăng sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên kể từ đầu năm 2022. Mỹ mới đây cũng đã cử một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc nhằm mục đích răn đe Triều Tiên.

Theo AP, Reuters
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.