Quảng bá đất nước, văn hóa Việt Nam ra thế giới qua thành phố sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Việt Nam có ba thành phố sáng tạo gồm Hà Nội, Hội An, Đà Lạt, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa và sáng tạo phát triển mạnh mẽ, bền vững, quảng bá đất nước, văn hóa Việt Nam.
Phố cổ Hội An rêu phong cổ kính. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.
Phố cổ Hội An rêu phong cổ kính. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Năm 2023, Việt Nam có thêm hai thành phố được ghi danh vào Mạng lưới Thành phố Sáng tạo Toàn cầu của UNESCO.

Đó là Đà Lạt (Lâm Đồng) ở lĩnh vực âm nhạc và Hội An (Quảng Nam) trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Sau Hà Nội, đến nay, nước ta đã có ba thành phố sáng tạo, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa và sáng tạo phát triển mạnh mẽ, bền vững. Hình ảnh đất nước, văn hóa của người Việt Nam ngày càng lan tỏa mạnh mẽ ra quốc tế.

Phát triển bền vững từ đặc trưng riêng

Đà Lạt và Hội An là hai địa phương nằm trong Đề án phát triển hệ thống các Thành phố Sáng tạo Việt Nam thuộc Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo Toàn cầu UNESCO (UCCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng, thực hiện.

Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là cơ quan chủ trì triển khai Đề án. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tư vấn chuyên môn, phối hợp với các địa phương xây dựng hồ sơ, thực hiện cam kết gia nhập Mạng lưới.

Trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo Toàn cầu của UNESCO vào ngày 31/10/2023 là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân Đà Lạt. Sự kiện càng trở nên ý nghĩa hơn khi thành phố này kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển (1893- 2023).

Đà Lạt mong muốn bên cạnh du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết nhiều nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú chia sẻ có được danh hiệu này đã khó nhưng giữ được còn khó hơn. Thành phố cam kết thực hiện trách nhiệm khi gia nhập Mạng lưới này, tạo điều kiện phát triển âm nhạc cộng đồng; củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật; nâng cao năng lực, kỹ năng mềm cho cộng đồng; thử nghiệm sáng tạo về âm nhạc; bảo tồn phát huy giá trị âm nhạc truyền thống.

Thành phố đề xuất 3 sáng kiến tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Đó là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hàng năm và biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại các địa điểm công cộng.

Việc này sẽ tạo thêm các không gian để du khách trải nghiệm, người dân địa phương biểu diễn trên đường phố và địa điểm công cộng. Cùng với đó, Đà Lạt tổ chức Festival Hoa-Âm nhạc 2 năm một lần.

Gần nhất, Đà Lạt sẽ tổ chức chương trình chào đón năm mới 2024 với chuỗi hoạt động văn hóa-giải trí-nghệ thuật đặc sắc, chào mừng kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển.

Chương trình nghệ thuật có sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng, trình diễn đa dạng của các nghệ sỹ. Cộng đồng sẽ cùng nhau đếm ngược những giây cuối cùng của năm cũ, chào đón năm mới 2024 đầy triển vọng phát triển.

Với Hội An, thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội, được bảo tồn, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nơi đây có 5 làng nghề truyền thống, gần 50 ngành nghề thủ công như mộc, gốm, làm đèn lồng, làm tre dừa, may mặc, đồ da...

Đặc biệt, thành phố có ba làng nghề và một nghề truyền thống được công nhận Di sản Phi Vật thể Quốc gia. Hai làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.

Các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú, đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo. Hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian…, phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa-xã hội và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An.

Nghệ thuật Bài Chòi đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh thông tin, đông đảo người dân nơi đây tham gia hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian. Họ có thể là lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sỹ, nghệ nhân, cá nhân trong hiệp hội nghề nghiệp, điều hành xưởng thủ công sáng tạo; doanh nghiệp, người kinh doanh thủ công và nghệ thuật dân gian.

Hội An có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính, khoảng 4.000 người lao động trực tiếp, thu nhập trung bình 3.500-4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.

Trong 4 năm sau khi gia nhập Mạng lưới, Hội An sẽ thúc đẩy phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp, huy động sự tham gia sáng tạo của cộng đồng. Thành phố mở rộng chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng, sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp bảo tồn, phát triển, đổi mới theo hướng xanh, chất lượng, đa dạng hóa và tăng giá trị cho sản phẩm, bắt kịp xu hướng sáng tạo tiên tiến.

Hội An sẽ phát huy các nguồn lực, thúc đẩy, thiết kế các dự án, mô hình, không gian sáng tạo nhằm bảo tồn, phát triển nghề thủ công và nghệ thuật dân gian để phát triển bền vững.

Văn hóa, sáng tạo - trung tâm của sự phát triển

Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) được khởi xướng từ năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa những thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững, công nghiệp văn hóa là trọng tâm.

Đến nay, Mạng lưới này gồm 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, phát triển dựa trên sự sáng tạo ở 7 lĩnh vực là thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa chia sẻ: Với những Thành phố Sáng tạo UNESCO như Hà Nội, Đà Lạt và Hội An, các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Các thành phố mới được UNESCO công nhận sẽ nỗ lực thực hiện cam kết theo hồ sơ gia nhập, hợp tác với những thành viên khác để thúc đẩy biện pháp đối phó với thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh…

Tham gia Mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất để thực hành, đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác giữa khu vực công- ư, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Việc này sẽ góp phần tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho người sáng tạo, chuyên gia; nâng cao việc tiếp cận, tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với nhóm, cá nhân yếu thế, dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào kế hoạch phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Phương Hòa nêu rõ không chỉ là thương hiệu, danh hiệu, điều quan trọng là khi tham gia vào Mạng lưới, các thành phố đã đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khóa của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, các thành phố khẳng định vị thế, sự an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển phù hợp với tương lai.

Các thành phố trên khắp thế giới trong Mạng lưới này cùng đặt sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa vào trung tâm của kế hoạch phát triển ở cấp địa phương, hợp tác tích cực ở cấp quốc tế.

Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho biết: Việt Nam là một trong số ít quốc gia có cùng lúc hai thành phố được ghi danh trong năm 2023.

Điều này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của quốc tế với nỗ lực, cam kết của nước ta trong phát huy sáng tạo, phát triển nguồn lực văn hóa, tạo động lực cho quá trình phát triển bền vững của cộng đồng, địa phương và đất nước.

Đây là một đóng góp tích cực của Việt Nam cho hợp tác UNESCO trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, nhất là khi nước ta đang đảm nhiệm là Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005).

Các địa phương sẽ có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào chiến lược, kế hoạch hành động phát triển đô thị, đem lại sinh kế bền vững cho người dân. Việt Nam có thêm cơ hội tốt quảng bá đất nước, con người, văn hóa ra thế giới - một đất nước phát triển năng động, hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo, đậm đà bản sắc văn hóa.

Năm 2022, Cục Hợp tác quốc tế và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (VICAS) đã soạn thảo Đề án phát triển mạng lưới Thành phố Sáng tạo Việt Nam tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Đề án có nêu một số thành phố khả thi trong việc gia nhập Mạng lưới toàn cầu như Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu.

Năm 2023, Hội An, Đà Lạt đã được ghi danh.Theo lộ trình, từ nay đến năm 2030, cứ 2 năm sẽ có tối đa hai thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới với mục tiêu sẽ có từ 4-6 thành phố của nước ta được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo Toàn cầu của UNESCO.

Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.
Tiết mục xiếc thú vui nhộn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các bạn nhỏ (Ảnh: Vân Hương).
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã mạnh dạn sáng tạo và tìm tòi những cách thức độc đáo để “làm mới”. Loại hình nghệ thuật này đang dần khẳng định sức hút riêng và trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.