Quang gánh phận đời

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giữa phố phường nhộn nhịp, dưới những toà nhà cao chót vót, bên những góc đường đông đúc người qua…, những đôi vai âm thầm gồng gánh cuộc mưu sinh. Họ không có bảng hiệu, không có cửa hàng…

Hộp bún xào giá rẻ

Khi nhiều người đang còn đang say giấc, bà Đỗ Minh Hạnh, nhà ở Gò Vấp lặng lẽ ra chợ mua từng món nguyên liệu cho gánh hàng bún xào. Đã hơn 20 năm ròng rã, bà chọn một góc ngã ba nhỏ gần cổng trường THCS Quang Trung để bán buôn. Kế sinh nhai của bà đơn sơ, vài hộp bún xào, mấy miếng chả, mớ rau thơm xếp ngăn nắp trong rổ tre.

Quang gánh phận đời ảnh 1

“Bún này 25 ngàn một hộp, vừa túi tiền mấy đứa học trò, cô lao công, chú bảo vệ. Ế thì mang về cho tụi nhỏ ăn…”, bà cười, tay đang buộc lại sợi dây gánh bị lỏng. Bà có mặt ở địa điểm “kinh doanh” từ 5 giờ sáng mỗi ngày vì sợ trễ mối không ai kịp mua.

Không việc làm ổn định, không tiền thuê mặt bằng, bà đành bám víu vào gánh hàng rong để sống qua ngày, lo thuốc thang cho chồng. Mỗi ngày là một lần thấp thỏm vì lo lực lượng chức năng nhắc nhở không cho bán nhưng bà đâu còn lựa chọn nào khác.

Bà kể có hôm đang bán ngon lành, xe trật tự bất ngờ xuất hiện. “Phải gom gánh chạy lẹ, có lần đổ hết rổ rau xuống đường, tiếc hùi hụi mà không dám quay lại lượm”, giọng bà chùng xuống nhưng rồi tự vực dậy trấn an bản thân mình: “Biết làm sao, miễn bán được là mừng rồi. Mấy đứa học trò mua ăn xong chúc bà giữ sức khỏe, nghe vậy cũng vui, khỏe liền”.

Ly nước sâm giá rẻ

Trên đường Phan Văn Hớn đông người qua có một xe nước nhỏ cùng những bước chân mỏi mệt. Chị Nguyễn Thị Liên đã ngoài 40 tuổi rong ruổi cùng chiếc xe nước mát hơn hai mươi năm trời. Chị kể: “Hồi mới lấy chồng, tụi tui có tiệm đồ gia dụng nhỏ nhưng rồi ảnh bị tai nạn nặng, nằm một chỗ. Bao nhiêu của cải dồn hết chữa trị, phải đóng cửa tiệm.”

Quang gánh phận đời ảnh 2

Chai nước mát giải khát những buổi trưa hè.

Chị làm đủ nghề kiếm sống từ phụ bếp, giữ trẻ, lau dọn cho đến ai kêu gì làm nấy, rồi chị quyết định học nấu nước sâm, nước đậu… Mỗi ngày khi mặt trời còn chưa lên, thành phố còn ngái ngủ, chị đã bắt đầu mưu sinh. Xe nước lăn bánh khắp từ hẻm ra chợ, vào những nơi đông công nhân và học sinh, chỗ nào có người là có dấu banh chiếc xe đẩy nhỏ của chị.

Mỗi ly nước sâm, nước đậu chị bán tầm năm bảy ngàn đồng: “Người ta uống cho mát mẻ rồi đi làm, đi học, có mấy đứa nhỏ uống từ hồi lớp sáu, giờ sinh viên năm ba rồi…”. Chị bán không được nhiều, mỗi ngày chỉ vài chục nước không cố định, trời nắng được nhiều, ngày mưa ít lại, thu nhập bữa đực bữa cái, khó khăn bủa vây.

“Lực lượng trật tự đi dẹp hoài, có bữa đẩy xe đi chưa được tiếng đã nhắc đi, bán không đủ vốn…” chị nói, mắt vẫn chăm chú vào ly nước đang rót. “Tôi biết mấy anh làm đúng quy định, nhưng cũng mong có chỗ nhỏ nhỏ cho tụi tôi đứng, đàng hoàng mưu sinh”.

Những phận đời lặng lẽ

Ở một góc khác của thị thành, mùi bắp xào bơ thoang thoảng trong gió, một người đàn bà dáng người nhỏ thó gắn bó với góc đường Hoàng Diệu quận 4 gần 15 năm nay. Trước kia, khi ánh đèn đường vừa lên, bà Lê Thị Hai đẩy xe bắp rong ruổi khắp các con hẻm, ghé trường học, công trình xây dựng... để bán.

Thời gian trôi qua, tuổi tác đè nặng, chân yếu tay run, bà chỉ còn ngồi một chỗ dưới gốc cây me già, với bếp ga mini, chảo bơ và vài chục trái bắp luộc. Bà xào bắp với bơ, cho vào hộp với giá 12.000 đồng mỗi phần. Khách của bà cũng nhiều tầng lớp nhưng số đông vẫn là người lao động tay chân, học sinh…

Quang gánh phận đời ảnh 3

Bắp xào, trứng gà nướng là các món ăn vặt thường được bán trên vỉa hè buổi tối.

Bà kể buôn bán lề đường nhiều nỗi cực nhưng không biết nói sao cho hết ý, hết lời. “Nhưng nếu ở nhà nghỉ, không có người thân, không có lương hưu, không làm thì lấy gì mà sống…”, bà nói với giọng miền Tây nhẹ tênh nhưng mang vẻ đượm buồn.

Có hôm trời mưa, khách vắng, bà ngồi ôm xe bắp đến tận tám giờ tối mới về. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhiều người đã an nhàn tìm vui bên con cháu, còn bà, bà vẫn bám trụ với chiếc xe bắp như một chỗ dựa cuối cùng cho những ngày tháng tới đây.

“Chừng nào còn xào nổi thì tôi còn bán…”, tay bà đều đặn đảo từng muỗng bắp vàng, khói toả lên nghi ngút rồi tan vào ánh đèn đêm hắt hiu.

Trên những con đường thẳng tấp khang trang, trong một góc nhỏ heo hút hay bên dưới những toà nhà chọc trời…, bất kỳ nơi đâu ở thành phố người ta cũng bắt gặp những gánh hàng rong như vậy. Không chỉ là câu chuyện sinh kế mà còn là một lát cắt chân thật của cuộc sống nơi đô thị nhộn nhịp, nơi vừa có hoa vừa có lệ.

Bán hàng rong có thể gọi là nghề, có thể là công việc nhưng cũng có thể không là gì cả. Hộp bún, bắp xào hay ly nước đậu… từ lâu đã là chỗ dựa cho những người không bằng cấp, thiếu vốn liếng, ít sức khoẻ,… Đôi quang gánh, chiếc xe đẩy cũ kỹ và vài món hàng đơn giản từ mớ rau củ quả, con cá đến vài vật dụng lặt vặt…, họ lặng lẽ mưu sinh, không ồn ào…

Bà Hạnh, bà Hai, chị Liên – ba con người, ba gánh hàng, ba số phận khác nhau như cùng một điểm chung là vất vả, bởi phía sau họ một còn có gia đình đang trông chờ vào mấy đồng bạc lẻ từ gánh hàng rong. Họ cũng như nhiều người khác, những thân phận bé nhỏ đang âm thầm gồng gánh cuộc đời trên những nẻo đường mưu sinh.

TIN LIÊN QUAN
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Tháng 1/2025, phát biểu tại lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ IX, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra dấu mốc đặc biệt “năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng đồng hành cùng sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Xử lý tài sản công dôi dư và quan tâm tới công tác cán bộ, nguồn nhân lực
Xử lý tài sản công dôi dư và quan tâm tới công tác cán bộ, nguồn nhân lực
(Ngày Nay) - hiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, cùng với các vấn đề về công tác cán bộ và nguồn nhân lực trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính.