AIPAC thường xuyên đưa ra các tuyên bố gây cản trở cuộc đàm phán hạt nhân giữa phương Tây và Iran, và được cho là đóng vai trò then chốt trong các chính sách đối ngoại của Washington với Israel.
Chi phối chính sách
AIPAC do Isaiah Kenan, một quan chức từng làm việc tại Văn phòng Thông tin Israel tại LHQ sáng lập, nhằm thúc đẩy tiếng nói của Israel ở Mỹ. Tổ chức này chính thức hoạt động từ năm 1963, 15 năm sau khi Nhà nước Do Thái ra đời. Hiện Howard Kohr là giám đốc điều hành của AIPAC, với hơn 160.000 thành viên bao gồm các doanh nhân, học giả và những nhà hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đọc diễn văn tại AIPAC |
Một trong những công trình nghiên cứu nổi tiếng nhất về AIPAC là cuốn sách mang tên “Vận động hành lang trong chính sách đối ngoại Israel và Mỹ”, do Giáo sư John Mearsheimer của Trường đại học Chicago và Giáo sư Stephen Walt của Trường đại học Harvard biên soạn. Cuốn sách chỉ ra rằng AIPAC không chỉ là tổ chức vận động hành lang thân Israel quyền lực nhất ở Mỹ, mà còn có các tác động bóp méo chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong cuốn sách có đoạn: “AIPAC không chỉ tặng thưởng cho các nhà lập pháp và các ứng viên vào Quốc hội Mỹ đã ủng hộ họ mà còn có thể trừng phạt những người đối đầu”. Hai giáo sư nói trên dẫn chứng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, những người ủng hộ Israel được AIPAC hỗ trợ tài chính. Trong khi đó, những người được coi là thù địch với Israel có thể bị hất ra khỏi cuộc đua với các đối thủ chính trị của họ. John và Stephen kết luận: “Đôi khi AIPAC chi phối một số chính sách của Mỹ đối với Israel, mặc dù chính sách đó có thể gây ra những hậu quả quan trọng cho toàn thế giới”.
Hồi tháng 7/2014, trong cuộc tiến công kéo dài 50 ngày do Israel tiến hành ở dải Gaza, AIPAC cũng được xem là đứng đằng sau những nghị quyết của Quốc hội Mỹ ủng hộ Israel. Theo USA Today, trong những ngày Israel phát động cuộc chiến 50 ngày, Chủ tịch AIPAC là Robert Cohen đã họp với các Thượng nghị sĩ Mỹ để biện minh cho quyết định tiến công của Israel, đồng thời thuyết phục rằng phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở Palestine phải chịu trách nhiệm cuối cùng về cái chết của các sinh viên Do Thái ở khu Bờ Tây - nguyên nhân dẫn đến cuộc tiến công đẫm máu tại dải Gaza. Khoản ngân sách của Mỹ giúp Israel thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (nhằm vô hiệu hóa phần lớn tên lửa của Hamas), trị giá gần 600 triệu USD, cũng dễ dàng được Quốc hội Mỹ phê duyệt, trong khi nhiều khoản chi phí quốc phòng khác của Mỹ lại phải cắt giảm.
Ủy ban ủng hộ Israel này còn được coi là nhóm vận động hành lang mạnh nhất nhì ở Mỹ. Trang web của AIPAC cho biết họ ghi nhận sự tham dự của các thành viên Quốc hội Mỹ tại cuộc họp chính sách hằng năm của nhóm này là “nhiều hơn so gần như bất kỳ sự kiện nào khác”. The New York Times gọi AIPAC là “lực lượng chính trong việc định hình chính sách của Mỹ ở Trung Đông, có khả năng thúc đẩy nhiều dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua”. Tạp chí Fortune cũng từng nêu tên AIPAC đứng thứ hai trong danh sách các nhóm vận động ảnh hưởng nhất ở Washington DC.
Trong 5 năm qua, AIPAC đã chi hơn 14 triệu USD để vận động hành lang ở Quốc hội và các cơ quan liên bang Mỹ, trong đó có việc tiếp tục bảo đảm viện trợ quân sự của Mỹ cho Tel Aviv, chống lại các chính sách ủng hộ người Palestine và áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran nếu phương Tây không đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran. Đến nay, Nhà trắng vẫn luôn lo ngại những tác động của AIPAC tới các nghị sĩ Quốc hội Mỹ có thể làm chệch hướng cuộc đàm phán hạt nhân Iran.
Chủ trương phản đối Iran
Đầu tháng 3 vừa qua, hơn 16.000 nhà hoạt động là thành viên của AIPAC đã tham dự một hội nghị chính sách hằng năm của AIPAC, được tổ chức tại Thủ đô Washington D.C. Chủ đề chính của hội nghị là kêu gọi ủng hộ một lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Iran và một dự luật khác yêu cầu Quốc hội Mỹ phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào mà Nhà trắng có thể đạt được với quốc gia Hồi giáo này. Đây cũng là một trong những hoạt động cốt lõi của AIPAC trong suốt 20 năm qua kể từ khi thành lập. Tổ chức này cảnh báo rằng, việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ gây ra mối đe dọa mang tính sống còn đối với Israel.
Hồi đầu năm nay, khi cuộc đàm phán vấn đề hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đang tiến triển theo chiều hướng tốt, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, được cho là chịu ảnh hưởng của AIPAC, đã trình lên Thượng viện Mỹ dự luật áp đặt lệnh trừng phạt mới nếu thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại. Bản dự luật này đã gây ảnh hưởng trên bàn đàm phán và khiến giới chức Iran tỏ ra nghi ngờ thái độ của Mỹ. Báo The New Yorker cho biết, đại diện Nhà trắng đã gặp các quan chức AIPAC để kêu gọi sự ủng hộ đối với cuộc đàm phán hạt nhân Iran, nhưng quan chức AIPAC “rất bảo thủ và nói quanh quẩn về mối đe dọa của Iran đối với Israel”.
Năm 2012, AIPAC cũng đã từng gửi thư cho Quốc hội Mỹ, kêu gọi áp đặt một lệnh trừng phạt chống lại Iran. Các nhà hoạt động của AIPAC đã tới gặp từng nghị sĩ của lưỡng viện Quốc hội để vận động họ ký vào bản đề xuất về Dự luật Tăng cấm vận kinh tế và trừng phạt Iran (được gọi là Dự luật Loại trừ vũ khí hạt nhân Iran 2013). Vào năm 2011, chiến dịch vận động của AIPAC thành công đến mức lệnh trừng phạt các tổ chức tài chính có quan hệ kinh doanh với Iran mà tổ chức này đề xuất đã được Thượng viện Mỹ thông qua.
Năm nay, hội nghị chính sách thường niên của AIPAC đã đón một khách mời đặc biệt, đó là Thủ tướng Israel B.Netanyahu. Ông Netanyahu tới Thủ đô Washington D.C để phát biểu trước Quốc hội Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran theo lời mời của các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa. Theo The Washington Post, nhờ sự vận động của AIPAC, chuyến thăm chưa có tiền lệ này mới có thể diễn ra. Báo này gọi AIPAC là một “bàn tay vô hình” giúp ông Netanyahu thực hiện một chuyến đi với nhiều mục đích.
AIPAC đang suy yếu?
Thời gian qua, AIPAC đã vấp phải nhiều chỉ trích vì không đại diện cho đa số người Do Thái ở Mỹ, mà chỉ hỗ trợ cho các chính sách, quan điểm bảo thủ của phe cánh hữu ở Israel. Kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Do Thái Mỹ (PEW) cho thấy, chỉ 38% số người Do Thái ở Mỹ tin rằng chính phủ Israel “chân thành theo đuổi hòa bình”, 44% nghĩ rằng việc Israel xây dựng các khu định cư mới đang làm tổn hại an ninh quốc gia của Israel.
Theo PEW, hiện nay nhiều người Do Thái trẻ ở Mỹ tin rằng Israel phải đi theo giải pháp hai nhà nước với Palestine. Họ kêu gọi tẩy chay AIPAC, đề nghị Tel Aviv phải chấm dứt sự chiếm đóng và công nhận các quyền của người tị nạn và công dân Palestine.
Trong những năm gần đây, AIPAC cũng phải cạnh tranh với một số nhóm đại diện khác trong cộng đồng Do Thái ở Mỹ. Đáng chú ý nhất là J Street, tổ chức được thành lập năm 2008 với lập trường rộng mở hơn, ủng hộ giải pháp hai nhà nước và thỏa thuận hạt nhân Iran, cho thấy họ đối lập với một AIPAC bảo thủ.
Do đó, một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi phải chăng ảnh hưởng của AIPAC đang suy yếu dần, nhất là trước những thay đổi trong chính sách về Iran của Nhà trắng dưới thời Tổng thống Obama sau khi Tehran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Quốc gia Hồi giáo Iran.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Anonymous - Nhóm hacker nguy hiểm nhất thế giới