Càng ngày, các công ty đang chuyển sang sử dụng công nghệ như một giải pháp bổ sung nguồn nhan lực, hai trong số các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Nhật Bản là FamilyMart và Lawson, đã nhanh chóng chọn cách sử dụng robot.
Cả hai chuỗi đang triển khai một robot có tên Model-T, do công ty khởi nghiệp Telexistence của Nhật Bản phát triển. Với chiều cao hơn 2 m, robot di chuyển xung quanh nhờ một bệ có bánh xe và được trang bị camera, micro và cảm biến. Sử dụng ba "ngón tay" trên mỗi bàn tay của mình, nó có thể sắp xếp hàng hóa lên các kệ.
Ông Matt Komatsu, người đứng đầu bộ phận phát triển và hoạt động kinh doanh tại Telexistence, cho biết con robot này có thể nắm, chọn và đặt các vật thể có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau vào các vị trí khác nhau.
Robot Model-T được đặt theo tên của chiếc ô tô Ford đi tiên phong trong sản xuất dây chuyền lắp ráp vào đầu thế kỷ 20 sẽ do nhân viên cửa hàng điều khiển từ xa. Người điều khiển sẽ đei kính thực tế ảo (VR) và găng tay đặc biệt để thao tác. Micro và tai nghe cho phép họ giao tiếp với mọi người trong cửa hàng.
Telexistence không có kế hoạch bán trực tiếp robot và hệ thống VR cho các cửa hàng, nhưng sẽ cung cấp chúng với một khoản phí.
"Về lý thuyết, robot có thể được điều khiển từ mọi nơi trên thế giới", ông Komatsu nói. Trong một thử nghiệm vào tháng tại một cửa hàng FamilyMart tại Tokyo, người điều khiển đã ngồi ở cách cửa hàng tiện lợi khoảng 8 km.
Điều này giúp việc tuyển dụng lao động trở nên dễ dàng hơn và mang lại tiềm năng ở những nơi có chi phí lao động thấp bởi việc điều khiển robot rất đơn giản và không yêu cầu lao động có tay nghề cao.
Ông Yoshizawa Satoru - đại diện FamilyMart, nói rằng nhiều cửa hàng của họ rất khó thuê người trong thời gian ngắn từ 3 đến 5 giờ một ngày để xếp hàng lên kệ. Với một robot, họ có thể thuê một nhân viên vận hành để làm việc tại nhiều cửa hàng và tập trung vào việc thuê con người làm việc tại các quầy thu ngân.
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự quan tâm đến tự động hóa, một lý do là robot có thể giúp giảm tiếp xúc giữa người với người. Ông Komatsu nói rằng Telexistence đã nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ các đối tác và khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, robot Model-T vẫn còn một chặng đường trước khi nó hoạt động theo tiêu chuẩn như con người. Robot mất 8 giây để đặt một món hàng lên kệ, trong khi con người mất khoảng 5 giây để làm điều tương tự. Cho đến nay, bot chỉ có thể xử lý các sản phẩm đóng gói, không phải các mặt hàng bánh trái hoặc trái cây và rau quả.
Telexistence, ra mắt vào năm 2017, đang nỗ lực cải thiện những hạn chế này. Sử dụng AI, công ty hy vọng có thể dạy robot sao chép chuyển động của con người một cách tự động, để nó có thể hoạt động mà không cần người điều khiển.