Sài Gòn thương nhau!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Họ không phân biệt tầng lớp, không so sánh sang hèn, sẵn sàng dành trọn tâm sức, tình cảm để chăm lo cho những người vô gia cư, những cô bác bán vé số, những thân phận trôi dạt theo dòng đời và cả những số phận bị bỏ quên trong cơn đại dịch giữa Sài Gòn.
Các bạn MC trẻ rời bỏ ánh đèn sân khấu để xắn tay áo lao vào hỗ trợ Bếp Chị Em.
Các bạn MC trẻ rời bỏ ánh đèn sân khấu để xắn tay áo lao vào hỗ trợ Bếp Chị Em.

Mời bà con ăn cơm!

Từ 3 giờ sáng, Bếp Chị Em trong con hẻm nhỏ 427/22/16 Minh Phụng (P.10, Q.11) đã bắt đầu sáng đèn, đỏ lửa. Căn nhà nhỏ chật chội là nơi chị Tím và gia đình sinh sống được “chuyển đổi công năng” thành bếp ăn từ thiện khi Sài Gòn giãn cách xã hội.

Ban đầu, Bếp chỉ có vài chị em, cô dì thay nhau đi chợ, nấu nướng rồi chia sẻ đến bà con sống lang thang, cơ nhỡ loanh quanh trong khu vực. Tấm lòng thảo thơm ấy nhanh chóng lan xa! Thông qua vài chị em trong nhóm thiện nguyện cũ, MC Kim Thảo cùng các đồng nghiệp không quản ngại khó khăn mà tìm đến, góp chút tình cho đồng bào đang trong cơn khốn khó.

Số lượng thành viên tăng lên, sự đóng góp từ khắp nơi bắt đầu đổ về. Mỗi người một việc, những cô MC trẻ rời bỏ ánh đèn sân khấu để xắn tay áo lao vào vất vả, chị lo bếp, em kêu gọi. Gạo, thịt cá, rau củ quả, mắm muối, tỏi gừng... cứ thế tăng dần lên. Đến thời điểm này, Bếp Chị Em đã tăng số lượng lên 1.200 phần ăn mỗi ngày, cả mặn và chay.

Sài Gòn thương nhau! ảnh 1

Bếp Chị Em ấm áp tình người trong đại dịch.

Lục đục mãi từ lúc gà chưa gáy cho đến khi mặt trời lên, những phần cơm canh nóng hổi đã “ra lò” từ đôi tay chị Quý bếp trưởng. “Chị lăn xả hết mình, vừa sơ chế đồ ăn, vừa nấu vừa giao cơm và phát quà. Chị sợ những khu cách ly không kịp cơm sớm nên tranh thủ nấu xong là lấy xe máy mang đến đó mà không kịp nghỉ ngơi...”, Kim Thảo không giấu được sự ngưỡng mộ khi nhắc về người chủ gian bếp.

Mọi người tất bật là vậy nhưng cũng không quên đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế, khẩu trang, khoảng cách và cả bao tay... Nhiều người dân xung quanh ban đầu cũng ái ngại nhưng chính nghĩa cử chân thành của chị em đã lay động trái tim họ, không còn những lời nói ra nói vào mà thay bằng những hỗ trợ tay chân.

Khoảng 10 giờ sáng, thêm nhiều bạn trẻ là đồng nghiệp, đàn em của Kim Thảo tìm đến con hẻm nhỏ. Mọi người lặng lẽ mang những phần cơm đã chuẩn bị sẵn đổ ra các nẻo đường từ Q.11 sang Q.4, Q.7 rồi ngược lại Tân Bình, Bình Tân... Từ vỉa hẻ đến gầm cầu, hễ chỗ nào có người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ là ở đó có cơm chị em; ở đâu có khu cách ly, khu phong toả ở đó có họ, dù số lượng còn hạn chế.

Những ngày này mới thấy, cái ao nước lã cũng thấm thiết như giọt máu đào!

Sài Gòn thương nhau! ảnh 2

Từ vỉa hẻ đến gầm cầu, hễ chỗ nào có người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ là ở đó có cơm chị em.

Một ổ bánh mì hay một thùng khẩu trang đều quý

Nhìn cảnh anh Nguyễn Đắc Văn tất tả chạy tới chạy lui rồi tranh thủ viết vài dòng cập nhật thông tin trên Facebook cá nhân mà không khỏi nghẹn ngào. Anh trở về quê hương sau 32 năm sống ở nước ngoài với khao khát được đóng góp chút tình cảm cho quê hương đất nước, nơi cha mẹ sinh thành.

“Hà Nội là nơi tôi sinh ra nhưng Sài Gòn lại là nơi tôi lựa chọn để sống và làm việc. Giờ đây, Sài gòn đang rất khó khăn vì đại dịch, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Tôi không thể đứng nhìn một cách vô cảm mà luôn cố gắng làm những gì tốt nhất để giúp đỡ cho bà con nghèo gặp khó khăn, cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch... Lần này, tôi và anh em đứng ra kêu gọi tất cả mọi người chung tay ủng hộ Sài Gòn”, anh viết.

Sài Gòn thương nhau! ảnh 3

Anh Đắc Văn xin được đóng góp 3 cái áo đấu bóng đá với rất nhiều chữ ký của các tuyển thủ Việt Nam để đấu giá, dùng tiền hỗ trợ chống dịch.

Bên dưới dòng trạng thái ấy, anh xin được đóng góp hai cái áo đấu bóng đá với rất nhiều chữ ký của các tuyển thủ Việt Nam như Quang Hải, Tiến Linh, Duy Mạnh, Hùng Dũng... của bản thân và thêm một cái áo do bạn bè gửi tặng. Anh mong mọi người có thể đấu giá để số tiền ấy có thể giúp được nhiều gia cảnh khó khăn và đôi khi cứu cả những mạng người.

Một nửa số tiền thu được sẽ dùng để mua lương thực và nhu yếu phẩm cho bà con. Số còn lại mua thiết bị y tế như khẩu trang N95 và quan trọng nhất là máy thở cứu người. Với anh, một ổ bánh mỳ, một tấn gạo hoặc một thùng khẩu trang lúc này đều quý giá cả. Và đương nhiên, những thu chi luôn được anh công khai rõ ràng trên tường Facebook.

Cũng trong những ngày này, cùng chung tay giúp đỡ đồng bào, Sản vật Phương Nam đã cùng dự án Tủ lạnh Cộng đồng dành tặng 200 ký cá nục kho khô đóng hộp thành phẩm cho bữa ăn của bà con nghèo khó sống lang thang ở từng góc phố, con hẻm.

"Dù chẳng sinh ra ở Sài Gòn nhưng vùng đất phồn hoa này đã mang tới cho mình những hào sảng. Cảm ơn những điều tử tế nhỏ xíu cho Sài Gòn những ngày bị đau. Rồi Sài Gòn sẽ sớm trở lại những ngày nhộn nhịp, chúng ta sẽ gặp nhau nhau nơi phố thị với cái tình sâu đậm hơn”, các anh các chị mà tôi tiếp xúc đều có cùng quan điểm chung ấy.


Sài Gòn thương nhau! ảnh 4

Những phần cơm, cá mời bà con khó khăn của Sản vật Phương Nam


Với tinh thần lá lành đùm lá rách, chia ngọt sẻ bùi, nâng đỡ nhau qua cơn nguy nan, phiên chợ 0 đồng tại trung tâm thể thao Q.12 đã được tổ chức từ ngày 9/7 để hỗ trợ đồng bào là những người nghèo, công nhân, người khuyết tật... Những ký gạo, bó rau, củ, quả, thịt, trứng, nước mắm, dầu ăn... được gửi đến bà con trong đong đầy tình cảm.

...!

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.