Ngày 9/2, thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay vào mùa đông xuân, số lượng bệnh nhân bị ngộ độc nấm nhập viện tăng. Đây là giai đoạn thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do nấm độc thường rất cao, chủ yếu xảy ra với đồng bào dân tộc (Hà Giang, Cao Bằng...). Nguy cơ tử vong do ăn phải nấm độc khoảng trên 50% ca nhập viện.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, đề tài nghiên cứu của anh và đồng nghiệp từng cho thấy chỉ riêng tại tỉnh Cao Bằng có tới 13 loại nấm gây độc.
Đặc biệt, năm 2009, 8 người trong một gia đình tại tỉnh Cao Bằng đã tử vong sau khi ăn nấm hái trong rừng.
Từ năm 2014-2015, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 12 trường hợp. Trong đó, 9 người tử vong. Không ít trường hợp nấm độc giết chết cả một gia đình.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc nấm
Người bị ngộ độc nấm thường có những dấu hiệu về đường tiêu hóa sau khi ăn như nôn, tiêu chảy… Các loại nấm độc có những dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa sớm thường không gây nguy hại cho sức khỏe bằng nấm có biểu hiện muộn. Bệnh nhân chỉ cần truyền dịch để điều trị bệnh.
Những loại nấm có những biểu hiện muộn sau 6 tiếng rất nguy hiểm, dễ khiến nạn nhân mất mạng. Các triệu chứng ngộ độc thường mơ hồ. Bệnh nhân có đi ngoài, nôn nhưng sau đó tự cầm, dẫn tới tâm lý chủ quan. Khi các triệu chứng quay lại, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, suy đa tạng và tử vong.
“Để tránh ngộ độc, người dân không nên ăn nấm lạ, hái trên rừng, đồng ruộng. Đầu xuân, mọi người không nên mua nấm rừng về ăn, dù chúng được giới thiệu là nấm hương rừng”, bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Ngộ nhận sai lầm khi ăn nấm độc
Bác sĩ Dũng cho biết rất nhiều người lầm tưởng nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ. Thực tế, những loại nấm màu trắng hình dáng có mũ, thân, rễ vẫn có thể chứa độc tố chết người.
Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng những loại nấm côn trùng ăn được thì người cũng có thể ăn.
“Trước đây, chúng tôi đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngộ độc nặng bởi cho rằng loại nấm kiến, côn trùng ăn được thì không độc, có thể ăn. Thực tế, các loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn”, bác sĩ Dũng nói.
Một số người còn cho gà, chó ăn nấm để biết đó có phải nấm độc hay không. Điều này chỉ đúng với nấm tác dụng nhanh. Nấm gây chết người thường có tác dụng chậm từ 12-24 tiếng.
“Một sai lầm khác khi xác định nấm độc là người dân dùng thìa, đũa, dây chuyền bạc để thử. Nếu những vật này thay đổi màu sắc là nấm có chứa độc. Điều này hoàn toàn sai bởi độc tố của nấm không có tác dụng với bạc nên không thể làm đổi màu”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Xử lý khi bị ngộ độc nấm
Các bác sĩ khuyến cáo khị bị ngộ độc nấm chúng ta cần tiến hành các bước sau để sơ cứu:
- Gây nôn sau đó uống nhiều nước. Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh táo sau đó đưa họ đi cấp cứu kịp thời.
- Gây nôn bệnh nhân bằng cách dùng bàn chải đánh răng đưa sâu vào cuống lưỡi gây nôn ngay lập tức.
- Cho bệnh nhân ngộ độc uống than hoạt tính.
- Sau khi sơ cứu nên đứa bệnh nhân tới bệnh viện và mang theo loại nấm đã từng ăn.