Nhà khoa học Adam McKay tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA cùng đồng nghiệp sử dụng thiết bị tại Đài thiên văn Apache Point để nghiên cứu ánh sáng do sao chổi Borisov phản xạ, NewScientist hôm 30/10 đưa tin. Họ nhận thấy xung quanh sao chổi có nhiều oxy. Lượng oxy này có thể là kết quả của việc nước dạng băng thăng hoa, hay chuyển từ rắn sang khí, do bị Mặt Trời nung nóng.
"Nếu phân tử nước thăng hoa, nó sẽ thoát ra dưới dạng hơi nước", McKay cho biết. Từ đó, ánh sáng cực tím từ Mặt Trời sẽ tách phân tử nước thành hydro và oxy. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, có khả năng sao chổi đang tạo ra nước với tốc độ 19 kg/giây.
Giới khoa học từng phát hiện nước ngoài hệ Mặt Trời, ví dụ như trong khí quyển của các ngoại hành tinh hoặc tinh vân đang hình thành sao. Tuy nhiên, nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên nước từ hệ hành tinh khác "bay" tới hệ Mặt Trời, theo chuyên gia Alan Fitzsimmons tại Đại học Queen’s Belfast.
Các nhà thiên văn phát hiện sao chổi Borisov cuối tháng 8. Nó dự kiến tới gần Mặt Trời nhất vào đầu tháng 12, sau đó sẽ bay đi xa. Vì vậy, các chuyên gia đang nỗ lực tận dụng thời gian để quan sát kỹ Borisov. Họ cũng đã phát hiện khí cyanogen thoát ra từ bề mặt Borisov, điều thường thấy với các sao chổi trong hệ Mặt Trời.
Lượng oxy mà nhóm McKay phát hiện cũng có thể tách ra từ CO2 hoặc CO chứ không phải phân tử nước. Họ cần quan sát thêm để làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên, hoạt động của Borisov đến nay cho thấy khả năng chứa nước cao hơn.
Việc nghiên cứu thành phần của nước dạng băng có thể mang đến thông tin thú vị về các hệ hành tinh khác, McKay cho biết. "Chúng ta là hệ hành tinh đặc biệt hay ngoài vụ trũ còn nhiều hệ khác như thế? Điều này cũng giúp chúng ta hiểu thêm về nguồn gốc và mức độ phổ biến của sự sống trong vũ trụ", ông nói.