Các nhà khoa học phát hiện 21 loại phân tử hữu cơ trong những chất mà Lovejoy giải phóng ra không gian xung quanh nó. Hai chất trong số chúng là etylic, một trong những thành phần của nhiều loại rượu vang, và đường.
Sao chổi Lovejoy. Ảnh: National Geographic |
"Chúng tôi nhận thấy Lovejoy giải phóng ít nhất 500 chai rượu etylic mỗi giây trong thời kỳ nó hoạt động mạnh nhất", Nicolas Biver, một nhà nghiên cứu của Đài Thiên văn Paris, tuyên bố trong một bài báo trên tạp chí Science Advances.
Đây là lần đầu tiên con người phát hiện một sao chổi giải phóng rượu với khối lượng lớn.
Sao chổi vốn là tàn dư của quá trình hệ Mặt Trời hình thành. Một số nhà khoa học tin rằng chúng gieo mầm sự sống trên địa cầu, bởi chúng mang theo những phân tử cần thiết đối với sự sống.
Lovejoy (tên chính thức là C/2014 Q2) tới gần mặt trời nhất vào ngày 30/1. Nó là một trong những sao chổi sáng nhất và hoạt động mạnh nhất trong khoảng không gian gần quỹ đạo địa cầu.
Hôm 30/1, Lovejoy giải phóng tới 20 tấn chất lỏng mỗi giây, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo. Do tới gần mặt trời, Lovejoy nhận một lượng nhiệt lớn khiến nhiều loại khí thoát ra khỏi sao chổi. Biver và các đồng nghiệp đã tận dụng dịp đó để tìm hiểu những loại phân tử trong chất lỏng mà Lovejoy giải phóng.
Mọi phân tử thoát ra từ Lovejoy đều phát quang do nhận thêm năng lượng từ mặt trời. Các nhà khoa học dựa vào bước sóng mà chúng phát ra để xác định từng loại phân tử.
Xem thêm:
- Bí ẩn 8 "hành tinh ma" ngoài vũ trụ
- Sự sống trên Trái đất hình thành sớm hơn 300 triệu năm so với ước tính
Nguồn Zing News