Chiều tối 25/8, Bộ Y tế có cuộc họp với Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch SXH. Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, hóa chất phun diệt muỗi hiện nay đạt tiêu chuẩn, là hóa chất trong danh sách đầu bảng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên dùng.
Tuy nhiên, lý giải về việc xuất hiện muỗi sau phun, ông Trần Như Dương cho biết, đó là muỗi mới nở từ bọ gậy còn tồn tại trong các hộ gia đình từ trước đó.
Qua đánh giá, từ ngày 14 - 21/8, ba đội cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã đánh giá kết quả trước và sau phun. Tại quận Hoàng Mai, Viện chọn phường Thịnh Liệt, quận Đống Đa chọn phường Khương Thượng, quận Hai Bà Trưng chọn phường Thanh Lương, trước khi phun thuốc, mật độ muỗi ở cả 3 phường đều rất lớn nhưng sau phun 24 giờ thì mật độ muỗi trưởng thành bằng 0.
Nhưng có tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy ở 3 phường này trước và sau phun có giảm, nhưng không triệt để.
“Chính những ổ bọ gậy còn sót trong các hộ gia đình nên sau phun chỉ vài giờ lại nở thành muỗi. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt để phải là diệt bọ gậy”, ông Trần Thanh Dương nhấn mạnh.
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ cũng cho biết, Hà Nội hiện dùng thuốc phun Delta Metrin diệt muỗi, đây là loại thuốc được WHO khuyến cáo dùng, đứng đầu danh mục các thuốc nên dùng để diệt muỗi truyền bệnh SXH. Loại thuốc này đã được Bộ Y tế, hội đồng các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất nghiêm ngặt về tính hiệu lực và tính an toàn mới được đưa vào sử dụng.
Cụ thể, năm 2017, từ ngày 20/6 – đến 1/7, Viện Vệ sinh dịch tễ đã tiến hành bắt muỗi và thử nghiệm thực nghiệm thuốc tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) thì tỷ lệ muỗi chết là 97,8%, theo đánh giá của WHO thì chỉ số này cho thấy thuốc đạt hiệu lực tốt.
“Hiện Hà Nội áp dụng hình thức phun sương (phun trong không gian), hình thức này diệt ngay muỗi ở các giá thể quần áo, muỗi đang bay. Hình thức phun tồn lưu (phun vào nơi côn trùng ẩn nấp, trú đậu và đẻ trứng) thì tốt hơn vì có hiệu lực trong vài tháng nhưng thường áp dụng phun trong dịch sốt rét, trong SXH thì phun sương là cần thiết”, ông Dương cho biết.
Tại buổi họp, đại diện Bộ Y tế đề nghị Hà Nội phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh. Bởi trong bối cảnh thời tiết mưa nhiều và hơn 1 triệu học sinh, sinh viên sắp nhập học, Hà Nội cần đảm bảo 100% trường học được phun thuốc diệt muỗi ít nhất 3 lần, không còn ổ bọ gậy.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước đã ghi nhận trên 100.000 ca mắc SXH, trong đó hơn 84.000 trường hợp nhập viện.
Tại Hà Nội, có gần 20.000 bệnh nhân mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện trên 2.300 trường hợp và có xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình 2.700 bệnh nhân/ngày, tuần này trung bình 2.400 bệnh nhân/ngày).