Sau khi có thông tin nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn bởi dầu nhớt, nhiều phụ huynh có con đang theo học ở các trường bày tỏ sự hoang mang, lo lắng.
Chia sẻ với Zing.vn, chị Đặng Hoàng Yến có con học tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, sau phát hiện nước bốc mùi nồng nặc, gia đình đã đổi nguồn nước ăn uống. Riêng nước sinh hoạt, gia đình dùng qua bình lọc, không biết máy có thể lọc được những chỉ số gì nhưng đành phải hứng máy lọc để các con tắm rửa yên tâm hơn. Tuy nhiên, khi con đến trường, ăn uống như thế nào, gia đình lại rất lo lắng.
“Sáng đưa con đến lớp, cô giáo cho biết con sử dụng nước đóng bình để nấu ăn nên cũng yên tâm phần nào”.
Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng theo dõi thông tin trên báo chí, bà lo lắng nguồn nước có mùi lạ. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, nhà trường không phát hiện ra mùi khét. Có thể, trước đó, trường đã xây dựng một phòng lọc nước công nghệ.
Tuy nhiên, bà Na cũng cho rằng nguồn nước nhiễm bẩn (nếu có) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe học sinh. Do đó, nhà trường mong sớm được cung cấp thông tin để có phương án đổi nguồn nước nhằm đảm bảo sức khỏe của thầy và trò.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay từ ngày 14/10, bà đã chỉ đạo bếp lấy nước đóng bình để nấu cơm, canh cho học sinh.
Tuy nhiên, với gần 2.000 học sinh, lượng nước bình chỉ cấp đủ để nấu cơm, canh còn nước rửa thực phẩm vẫn phải dùng nguồn nước bình thường. Riêng nước uống, lâu nay, học sinh đã uống nước đóng bình trên lớp nên không lo lắng.
Bà Tâm cũng cho rằng dùng nước đóng bình để nấu ăn chỉ là giải pháp tạm thời, vì trường có gần 2.000 học sinh, hàng ngày sẽ tiêu tốn một lượng bình nước rất lớn. Do đó, bà mong công ty cấp nước sớm có giải pháp khắc phục để nhà trường trở lại sinh hoạt bình thường.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, cũng chia sẻ sự cố nước xảy ra từ ngày 9/10, tuy nhiên đến nhiều ngày hôm sau, đơn vị mới biết thông tin lại rơi vào ngày nghỉ cuối tuần.
Do đó, ngày 14/10, tức thứ hai, bà mới chỉ đạo các trường đổi nguồn nước tạm thời sang các bình lọc tiêu chuẩn để sử dụng trong nấu ăn bán trú, nước uống cho học sinh.
Nhiều hộ gia đình và trường học đang sử dụng nước đóng chai và nước sạch từ xe téc để nấu nướng và sinh hoạt. - Ảnh: Vnexpress |
Cũng trong tình trạng tương tự, trao đổi với báo điện tử VTC News, chị Nguyễn Phương Linh có con theo học tại một trường Tiểu học quận Thanh Xuân cho hay, từ hôm xảy ra nước có mùi khét do sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, chị cùng hàng xóm rất lo lắng, nhất là sức khỏe của các con.
“Khi chưa có thông tin trên báo chí, nhận thấy mùi nước khác lạ, tôi và một số gia đình khác đã đi mua nước Lavie để nấu nướng và tắm rửa. Điều tôi lo lắng nhất là các con ăn trưa ở trường thì nước sẽ được lấy từ đâu”, chị Linh chia sẻ.
Không chỉ chỉ Linh mà rất nhiều phụ huynh khác cũng có tâm trạng như vậy.
Để phụ huynh không hoang mang về sức khỏe của học sinh khi ăn bán trú tại trường, sáng 16/10, trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thông báo phối hợp với một doanh nghiệp dùng nước đóng bình Lavie nấu ăn cho các con, bắt đầu từ hôm 13/10.
Song song với việc sử dụng nước đóng bình, trường sẽ dùng thêm nước sạch kéo từ các xe téc do thành phố Hà Nội hỗ trợ, đồng thời thau rửa toàn bộ bể nước cũ, đợi đến khi có thông báo khắc phục xong sự cố thì bơm nước mới vào.
Lãnh đạo trường cũng chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm chủ động thông tin đến phụ huynh.
Từ ngày 14/10, các trường đều sử dụng nước bình và mua nước sạch từ đơn vị cung cấp nước khác để rửa thực phẩm, nấu ăn bán trú. Phần lớn trường còn lại sử dụng nước từ nhà máy ở Pháp Vân nên không bị ảnh hưởng.
Học sinh bán trú tại một số trường quận Hoàng Mai, Thanh Xuân... dùng nước sạch kéo từ các xe téc do thành phố Hà Nội hỗ trợ, bên cạnh đó, dùng nước đóng chai. - Ảnh: VTC News |
Ngay sau khi UBND TP. Hà Nội ra khuyến cáo không dùng nước Sông Đà để uống và nấu ăn, ông Phạm Gia Hữu - trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân có văn bản gửi lãnh đạo các trường học trong địa bàn.
Theo đó, Phòng chỉ đạo các trường tạm thời dùng nước đóng chai, đóng bình của các đơn vị cung cấp khác để thay thế, đảm bảo mọi hoạt động cho học sinh bán trú diễn ra bình thường.
Phòng cũng yêu cầu lãnh đạo các trường tăng cường kiểm tra bếp ăn bán trú, duy trì chế độ kiểm soát giao nhận thực phẩm, phát huy vai trò của tổ kiểm soát an toàn thực phẩm trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh.
Ông Hữu cho biết, thời điểm này cần ưu tiên và đặt sức khỏe của học sinh lên hàng đầu. "Kinh phí sử dụng nước đóng chai, đóng bình cho các trường học sẽ được quận cân đối và hỗ trợ một phần từ việc sử dụng quỹ và nguồn ngân sách", ông Hữu thông tin.