Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 20/4 đã bắt đầu chuyến thăm Saudi Arabia trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh đang gặp nhiều thách thức.
Saudi Arabia tỏ ra không hài lòng về chính sách chuyển hướng của Nhà Trắng trong thời gian qua khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt và bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn mức cần thiết đối với Iran.
Trong khi đó, phía Mỹ, ông Obama bày tỏ than phiền đối với quốc gia vùng Vịnh về những chính sách dầu mỏ của nước này gây nên sự hỗn loạn trong khu vực, cùng với đó những bế tắc trong lối đi chung chống IS giữa hai nước cũng là trở ngại không nhỏ đối với mục đích của Mỹ tại Syria và Iraq.
Tổng thống Obama và Quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah bin Abdul Aziz Al Saud.
Sau nhiều năm "làm lơ" sự liên quan cả quốc gia này, gần đây Quốc hội Mỹ đang xem xét dự luật cho phép công dân nước này kiện Saudi Arabia vì cáo buộc dính líu đến sự kiện khủng bố 11/9. Ngay lập tức Riyadh đã dọa sẽ bán số tài sản Mỹ trị giá vài trăm tỉ USD nếu dự luật được thông qua.
Rõ ràng mối quan hệ nồng ấm vốn có giữa hai nước đang trải qua thời điểm căng thẳng hơn bao giờ hết kể từ cuộc chiến Ả Rập - Israel năm 1973. Tuy nhiên, dù đứng giữa nhiều mâu thuẫn lợi ích nói trên, giới phân tích cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia vẫn chưa đến mức "giọt nước tràn ly".
"Mặc dù hai nước đang ngày càng khác nhau về mục tiêu nhưng đến cuối cùng họ sẽ không thể tách rời mối quan hệ lâu năm của mình", Bruce Riedel, cựu quan chức CIA nhận định "Mỹ cần Saudi Arabia và ngược lại Saudi Arabia cũng cần Mỹ y như vậy".
Giáo sư Fawaz Gerges từ Trường Kinh tế London, gọi quan hệ lúc này giữa Washington và Riyadh đơn thuần chỉ là "mối bất hòa" và điều đó sẽ không kết thúc tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.
Theo đó lý do Mỹ sẽ không từ bỏ quốc gia vùng Vịnh là bởi, hai nước vẫn đang bị ràng buộc bởi mối liên kết đồng minh quân sự và thương mại chặt chẽ lâu năm, một mục tiêu chống khủng bố chung trong khu vực, Mỹ vẫn cần tận dụng sức mạnh ngoại giao của Saudi Arabia và hơn cả Washington cần phải đảm bảo nguồn cung cấp dầu lớn nhất thế giới luôn ổn định.
Dù sản lượng nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Trung Đông vào Mỹ giảm mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng Tổng thống Obama đã nhiều lần khẳng định nhu cầu năng lượng của Mỹ đối với khu vực này có tầm quan trọng lớn trong ổn định kinh tế quốc gia và an ninh năng lượng toàn cầu. Thực tế, Saudi Arabia vẫn là nguồn cung dầu mỏ lớn thứ hai đối với Washington.
"Chính sách độc lập năng lượng mà Mỹ theo đuổi vốn không hề thay đổi mối quan tâm chiến lược đối với các khu vực có trữ lượng dầu mỏ dồi dào giống như các quốc gia vùng Vịnh," Hussein Ibish, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ả Rập ở Washington nhận xét.
Ngoài ra Saudi Arabia có sức mạnh ngoại giao lớn trong khu vực - điều mà Mỹ cần phải sử dụng để phục vụ cho lợi ích của mình.
David Weinberg, chuyên gia Quỹ Bảo Vệ Các nền dân chủ ví von rằng "Saudi Arabia giống như một minh tinh có tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông và trong cả cộng đồng Hồi giáo rộng lớn, không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào muốn tiến sâu vào khu vực này mà không muốn đi cùng người có tiếng nói như Riyadh ."
Vốn dĩ Saudi Arabia vẫn luôn có mặt song hành với Washington kịp thời trong những lúc cần thiết. Vài năm trước, khi làn sóng cách mạng Mùa xuân Ả Rập nổ ra, chính Saudi Arabia đã cung cấp nguồn tiền cho các đồng minh thân cận của Mỹ bao gồm Ai Cập, Bahrain và Jordan trong việc ổn định chính trị.
Đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, Mỹ cần Saudi Arabia với vai trò của người đứng đầu liên minh Ả rập - quốc gia có sức nặng nhất trong khu vực để ủng hộ cho mục tiêu chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
David Ottaway, chuyên gia đến từ Wilson Center cho rằng, "Cuộc chiến tổng thể của Mỹ chống khủng bố ở Trung Đông không thể giành chiến thắng mà không cần sự giúp đỡ của Saudi."
Hơn nữa, quân sự hai nước có sự kết dính mật thiết khi báo cáo ước tính cho thấy Riyadh là khách hàng ruột của Washington trong việc mua bán vũ khí khi đã chi trả 100 tỷ USD giá trị các thiết bị trên đơn đặt hàng của nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Không chỉ tạo lợi ích kinh tế cho Mỹ, ngược lại sự hỗ trợ tận tình của Lầu Năm Góc trong công tác huấn luyện đào tạo quân sự cũng khiến cho Saudi Arabia cảm thấy hài lòng.
Tuy nhiên điều này có thể trở nên lung lay khi ông Obama rời khỏi Nhà Trắng vào năm tới. Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đang đẩy mạnh cho việc công bố 28 trang tài liệu bao gồm các bằng chứng cho thấy các quan chức Saudi Arabia tại Mỹ vào thời điểm đó đã hỗ trợ cho 15 đối tượng người Ả Rập nằm trong số 19 kẻ chủ mưu vụ 11/9. Điều này như một lời khẳng định Saudi Arabia sẽ phải chịu một phần trách nhiệm và có sự đền bù thỏa đáng đối với nước Mỹ.
Dự luật này đều được hầu hết các ứng viên tổng thống của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đồng tình, trong đó bao gồm bà Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và tỷ phú Donald Trump.
Trong khi đó, một nhóm các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã liên kết với nhau vào tuần trước để đề xuất một dự luật hạn chế bán vũ khí cho Saudi Arabia như một cách phản đối nước này tiến hành cuộc chiến ở Yemen.
Cho dù vẫn còn một số bất đồng nhưng trong khuôn khổ chuyến thăm Ả rập xê út sắp tới, Tổng thống Mỹ sẽ cố gắng bằng cách nào đó để xóa bỏ những mâu thuẫn này.
Theo kế hoạch, đến ngày 21/4, ông Obama sẽ dự hội nghị thượng đỉnh cùng lãnh đạo các nước khác bao gồm UAE, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain.
Minh Vũ