Trả lời phỏng vấn Thông tấn Nga Tass, Tổng Giám đốc Tập đoàn chế tạo thiết bị thống nhất (OPK) – chi nhánh của Tập đoàn Rostekh, ông Alexander Yakunin cho biết, Nga sẽ có sở chỉ huy trên không thế hệ mới (thế hệ 3), vốn nổi tiếng với tên gọi máy bay “Ngày tận thế” sau 5-7 năm nữa.
Máy bay IL-86 của Nga.
“Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thành giai đoạn chuyển giao cho Bộ Quốc phòng máy bay thế hệ thứ 2, nhưng cũng đã bắt đầu triển khai thực hiện thế hệ tiếp theo. Theo tính toán của chúng tôi, máy bay ‘Ngày tận thế’ thế hệ 3 sẽ xuất hiện trong khoảng giai đoạn từ 5 đến 7 năm nữa” - ông Alexander Yakunin nói.
Ông Alexander Yakunin nhận định, loại máy bay này sẽ được tích hợp trong thành phần hệ thống chỉ huy quân đội thống nhất, nhưng nó sẽ chỉ được sử dụng trong những tình huống khẩn cấp, khi các sở chỉ huy mặt đất và các đường liên lạc bị phá hủy. Ngoài ra, “Ngày tận thế” có thể được sử dụng trong các tình huống tác chiến có diễn biến thay đổi nhanh.
Mô hình thế hệ thứ 3 của máy bay "Ngày tận thế".
“Đối với thế hệ thứ ba, thiết bị sẽ hiện đại hơn, các kênh truyền dữ liệu được cải tiến bảo đảm khả năng liên lạc chủ động và linh hoạt trong quá trình điều khiển. Các máy bay này sẽ được tích hợp các hệ thống chỉ huy tự động mới” – Lãnh đạo OPK cho biết.
Máy bay “Ngày tận thế” là cơ quan tham mưu chỉ huy chiến lược trên không. Từ đây có thể chỉ huy tất cả các quân binh chủng; gồm bộ đội tên lửa chiến lược, các lực lượng không quân vũ trụ, tàu mặt nước và tàu ngầm.
Máy bay chỉ huy trên không E-4B của Mỹ.
Các sở chỉ huy trên không được gọi là máy bay “Ngày tận thế” - doomsday planes – tại Mỹ. Theo kế hoạch, nó sẽ được sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu các cơ cấu chỉ huy mặt đất bị tiêu diệt. Mô hình nổi tiếng nhất của các cỗ máy đặc biệt này là máy bay E-4B của Mỹ (trên cơ sở Boeing 747) và IL-80 của Nga được chế tạo trên cơ sở máy bay chở khách IL-86.
Nguyễn Hoàng