Giáo sư Fulufhelo Netswera, Trưởng khoa Khoa học Quản lý tại Đại học Công nghệ Durban ở Nam Phi, cho biết việc các quốc không phải là thành viên của BRICS thúc đẩy gia nhập nhóm này có thể một phần do lập trường ủng hộ chủ nghĩa đa phương của nhóm.
Theo ông Netsweram, nhóm BRICS - bao gồm 5 quốc gia mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đang trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với nhiều quốc gia vì lập trường ủng hộ chủ nghĩa đa phương liên quan đến các vấn đề địa chính trị và kinh tế.
Ông giải thích BRICS xuất phát từ sự thừa nhận rằng mỗi khu vực đều có nhu cầu, lợi ích và mục tiêu kinh tế khác nhau cần được hỗ trợ để cùng phát triển.
“Mặc dù hiện chỉ có 20 ứng viên tiềm năng cho tư cách thành viên BRICS, nhưng ai cũng hiểu rằng nếu cánh cửa gia nhập khối mở rộng, nhiều quốc gia khác sẽ nhanh chóng đăng ký”, giáo sư lưu ý.
Mặt khác, ông Netswera cho hay lý do chính khiến BRICS được biết đến là một tổ chức đa phương là bởi các nhóm do Washington dẫn đầu “đã mất uy tín trong một thời gian dài”. Ông nói rằng các cuộc xung đột ở Syria và Ukraine sẽ tàn phá các quốc gia nghèo hơn, trong khi làm giàu cho các tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ. Trong vấn đề này, ông nhấn mạnh rằng các thành viên BRICS “có lập trường trung lập”.
“Nam Phi hiện đang phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng về vấn đề này vì chọn làm trung gian hòa giải cho giải pháp hòa bình,” vị Giáo sư nói, đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Bên cạnh đó, vị quan chức này cũng bình luận về nỗ lực phi đô la hoá đồng USD của các nước BRICS. Ông Netswera cảnh báo quá trình này có thể mất nhiều thời gian.
“Các quốc gia BRICS đã thảo luận về việc sử dụng các loại tiền nội địa giữa các quốc gia thành viên, cũng như xem xét việc tạo ra một loại tiền tệ BRICS mới. Một số trong những ý tưởng này cần có thời gian để hình thành, dù người dân BRICS và Nam bán cầu ngày càng thiếu kiên nhẫn”, ông nói.
Giáo sư Netswera cũng nhấn mạnh rõ ràng đồng USD đang đối mặt với thách thức lớn nhất từ trước đến nay và có khả năng rất cao sẽ không bao giờ lấy lại được vị thế lịch sử của nó.
Trước đó, hôm 15/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho hay gần 20 quốc gia đang tìm cách trở thành thành viên BRICS và số lượng tiếp tục gia tăng.
“Danh sách các ứng viên gia nhập BRICS tiếp tục tăng lên. Số lượng quốc gia muốn gia nhập nhóm hiện gần 20 nước. Điều đó phản ánh vai trò ngày càng lớn và đáng kể của BRICS trên trường quốc tế với tư cách là một hiệp hội các quốc gia có cùng quan điểm,” ông Ryabkov nói.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2001, nhóm BRICS đã phát triển thành một liên minh không chính thức và vượt qua khối G7 do Mỹ dẫn đầu về tỷ trọng GDP toàn cầu.
Nhóm các nước BRICS có dân số hơn 3 tỷ người, chiếm 25% tổng sản lượng nội địa (GDP) toàn cầu, 20% thương mại, khoảng 25% đầu tư trực tiếp và tổng dự trữ quốc tế của BRICS chiếm khoảng 35% của thế giới.
Một số quốc gia khác có kế hoạch tham gia khối kinh tế này, bao gồm Argentina, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập.