Nhiệm vụ chiến lược
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ chiến lược của các trường sư phạm. Khẳng định điều này, PGS.TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2, cho rằng: Những năm vừa qua, các trường sư phạm đóng vai trò then chốt trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, với cách thức triển khai đồng bộ của Bộ GD&ĐT, phối hợp tích cực của các sở, phòng GD&ĐT và đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu tự thân của bản thân đội ngũ nhà giáo, các trường sư phạm đang phát huy tốt vai trò, sứ mệnh của mình. Tính tự chủ, chủ động, sáng tạo trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, cũng theo PGS Nguyễn Quang Huy, nếu xét tường tận trên từng khía cạnh, chất lượng bồi dưỡng của các trường còn chưa đồng đều. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chủ yếu tập trung ở trường sư phạm chủ chốt. Những vướng mắc trong giải quyết vấn đề sinh tồn của trường địa phương, yếu tố địa lý, vùng miền và sự hạn chế của các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng ảnh hưởng nhất định tới sự lựa chọn chủ thể bồi dưỡng và phương thức bồi dưỡng.
PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng cho rằng: Trong thời đại kinh tế tri thức có vai trò quyết định cho sự phát triển của đất nước như ngày nay, đội ngũ GV phải được nâng cao chất lượng, phải gánh vác được 3 trọng trách lớn là: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Nhận thức được sứ mạng của nền giáo dục và vai trò của đội ngũ GV trong thời đại ngày nay, Đảng, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã luôn quan tâm thích đáng đến đội ngũ giáo viên.
Theo PGS.TS Lưu Trang, trường sư phạm lúc này không chỉ có nhiệm vụ đào tạo GV có chất lượng đáp ứng được yêu cầu mới, mà còn có nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy các cấp bậc học trường phổ thông.
Các trường sư phạm được giao nhiều nhiệm vụ, từ bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp, đến bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho GV. Điều này giúp các trường sư phạm tiếp cận, hiểu sâu về trường phổ thông và đội ngũ GV phổ thông để có những điều chỉnh chương trình, phương pháp đào tạo bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Với vai trò “máy cái”, đầu tàu, nhận lãnh nhiệm vụ “kép” - vừa đào tạo vừa bồi dưỡng giáo viên, các trường sư phạm đã nỗ lực vươn lên tiếp cận, thâm nhập vào trường phổ thông thông qua các Chương trình ETEP và Dự án GREP” - PGS.TS Lưu Trang cho hay.
Cần tự làm mới
Trước yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục hiện nay, PGS.TS Nguyễn Quang Huy cho rằng: Các trường sư phạm cần phải tự làm mới mình. Trước hết, tăng cường tính tự chủ trên các phương diện nhân sự, tài chính, chuyên môn, tập trung đổi mới phương thức quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại.
Ngoài ra, các trường sư phạm chủ động đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, tăng cường số hóa tài liệu, học liệu, tăng cường hợp tác quốc tế và gắn kết với địa phương trên trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học giáo dục.
Hiển nhiên, trong đổi mới không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, chẳng hạn như vấn đề tự chủ, tính phân tán của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ; cơ chế phối hợp các bên không rõ ràng; sức ỳ của một bộ phận giảng viên, giáo viên, sự lạc hậu của tài liệu, phương pháp, những thiếu hụt về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật khác… Để thay đổi được điều này, theo PGS.TS Nguyễn Quang Huy, cần có sự thay đổi rất lớn về nhận thức của toàn bộ đội ngũ nhà giáo, nhà quản lí giáo dục từ phổ thông đến ĐH.
Thay đổi căn cơ và dài hơi
Tuy các trường sư phạm đạt được những thành công trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong những năm qua, nhưng những thành công đó chỉ mới là bước đầu. Việc đổi mới giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, nhận thức và điều kiện tiếp cận để đổi mới giáo dục phổ thông của các trường phổ thông còn chênh lệch giữa vùng miền; trình độ đội ngũ giáo viên phổ thông cũng khác nhau ở mỗi địa phương; cơ sở vật chất và tài chính hạn chế cũng là vấn đề khó khăn cho đổi mới giáo dục phổ thông, thiếu sự đồng hành của phụ huynh trong quá trình đổi mới…
Đưa thông tin này, PGS.TS Lưu Trang cho rằng: Các trường sư phạm cần phải thay đổi một cách căn cơ và dài hơi mới có thể đáp ứng hiệu quả yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Trong đó, trước hết phải xây dựng được kế hoạch chiến lược một cách khoa học, trên nền tảng thực tế và bám sát sứ mạng, tầm nhìn của trường để thực hiện từ 10 đến 20 năm. Kế hoạch chiến lược đó phải toàn diện và đầy đủ, dựa trên nền tảng chủ trương đổi mới căn bản GD-ĐT của Đảng, Chương trình giáo dục phổ thông mới…