Sự sống và cái chết trong phòng cấp cứu ICU ở Vũ Hán

(Ngày Nay) - Trong đại dịch nCoV tại thành phố Vũ Hán, giới chức y tế ở tuyến đầu luôn phải chấp nhận rủi ro lớn nhất và hiểu rõ nhất tình hình dịch bệnh. Bác sĩ Peng Zhiyong thuộc Bệnh viện Trung ương Đại học Vũ Hán, là một trong những người đầu tiên tiếp xúc và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona mới.
Nhân viên y tế khám cho bệnh nhân bị nhiễm nCoV tại bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Vũ Hán. Ảnh: EPA
Nhân viên y tế khám cho bệnh nhân bị nhiễm nCoV tại bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Vũ Hán. Ảnh: EPA

Trong một cuộc phỏng vấn vào thứ ba với trang Caixin Global, bác sĩ Peng đã mô tả về kinh nghiệm cá nhân của mình khi lần đầu tiên đối mặt với căn bệnh này vào đầu tháng 1 và nhanh chóng nắm bắt độc lực của virus cũng như sự cần thiết của các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Lần đầu ông tiếp xúc với một bệnh nhân nhiễm nCoV là khi nào?

- Vào ngày 6/1 năm 2020, có một bệnh nhân từ Hoàng Cương đã bị nhiều bệnh viện từ chối, người này sau đó được đưa đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Nam Trung. Tôi đã tham dự buổi tư vấn điều trị cho người này. Vào thời điểm đó, bệnh tình đã nặng và bệnh nhân có triệu chứng khó thở. Tôi biết rằng bệnh nhân đã nhiễm phải virus corona mới. Chúng tôi tranh luận về việc có nên cho bệnh nhân nhập viện hay không. Nếu từ chối, anh ta sẽ không có nơi nào để đi; nếu chúng ta chấp nhận, có khả năng cao bệnh sẽ lây sang người khác. Chúng tôi đã phải thực hiện phương pháp kiểm dịch rất nghiêm ngặt và tiếp nhận bệnh nhân.

Tôi đã gọi cho giám đốc bệnh viện và kể cho ấy toàn bộ sự việc, kể cả việc chúng tôi phải dọn phòng bệnh viện của những bệnh nhân khác và sửa sang lại theo tiêu chuẩn từng áp dụng cho dịch SARS bằng cách thiết lập một khu vực truyền nhiễm, một khu vực đệm, một khu vực làm sạch và tách biệt với khu vực sinh sống của các nhân viên trong bệnh viện.

Ngày hôm đó, khi bệnh nhân đầu tiên nằm trong phòng cấp cứu, chúng tôi đã tiến hành tái kiểm dịch phòng cấp cứu và tiến hành cải tạo cho ICU (phòng chăm sóc đặc biệt). ICU của Bệnh viện Nam Trung có tổng cộng 66 giường. Chúng tôi giữ một không gian dành riêng cho bệnh nhân nCoV. Tôi biết sự lây nhiễm của virus này. Chắc chắn sẽ có nhiều người đến tiếp, vì vậy chúng tôi dành ra 16 giường. Chúng tôi đã tiến hành cải tạo khu vực bệnh truyền nhiễm vì các bệnh về đường hô hấp được truyền qua không khí, do đó, ngay cả không khí cũng phải được kiểm soát để không thất thoát ra ngoài. Vào thời điểm đó, một số người nói rằng ICU có số lượng giường hạn chế và 16 giường là quá mức. Tôi thì cho rằng con số này không hề lớn chút nào.

Vào tháng 1, ông đã dự đoán rằng virus có thể lây truyền từ người sang người và thậm chí đã thực hiện các biện pháp kiểm dịch. Liệu ông có báo cáo tình hình cho cấp trên?

- Dịch bệnh này thực sự đã lây lan rất nhanh. Đến ngày 10/1, 16 giường trong ICU của chúng tôi đã được lấp đầy. Chúng tôi đã thấy tình hình nghiêm trọng như thế nào và nói với lãnh đạo bệnh viện rằng họ phải báo cáo cho cấp trên. Sau đó lãnh đạo của chúng tôi đã báo cáo tình hình với ủy ban y tế thành phố Vũ Hán. Vào ngày 12/1, họ đã cử một nhóm gồm ba chuyên gia đến bệnh viện Nam Trung để điều tra. Các chuyên gia nói rằng các triệu chứng lâm sàng thực sự giống với SARS, nhưng họ vẫn cho rằng đây chỉ là các chuẩn đoán ban đầu và chưa đáp ứng tiêu chuẩn công bố dịch. Chúng tôi trả lời rằng những tiêu chuẩn đó quá nghiêm ngặt. Rất ít người được chẩn đoán dựa trên các tiêu chí đó. Giám đốc bệnh viện đã nói với họ điều này nhiều lần. Tôi biết các bệnh viện khác cũng làm như vậy.

Sự sống và cái chết trong phòng cấp cứu ICU ở Vũ Hán ảnh 1

Một bệnh nhân chùm kín người bằng ga giường tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: AFP

Trước đó, các chuyên gia đã đến Bệnh viện Kim Ngân Đàm trong thành phố để điều tra và đưa ra một bộ tiêu chuẩn chẩn đoán. Các tiêu chuẩn bao gồm: bệnh nhân phải tiếp xúc với khu vực chợ hải sản Nam Hoa (nơi được cho là khởi nguồn của dịch nCoV), họ phải bị sốt và xét nghiệm dương tính với virus. Bệnh nhân phải đáp ứng cả ba tiêu chí để được chẩn đoán. Tiêu chuẩn thứ ba hết sức “máy móc” bởi trong thực tế, rất ít người được xét nghiệm virus.

Vào ngày 18/1, các chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia đã đến đến bệnh viện Nam Trung để kiểm tra. Tôi nói với họ một lần nữa rằng các tiêu chí ban đầu là quá cao và sẽ bỏ lỡ vô số bệnh nhân. Tôi nói với họ rằng đây là bệnh truyền nhiễm; nếu đặt tiêu chí quá cao và để bệnh nhân ra về, họ sẽ khiến xã hội gặp nguy hiểm. Sau khi nhóm chuyên gia thứ hai đến, các tiêu chí đã được thay đổi. Số lượng bệnh nhân được chẩn đoán tăng nhanh.

Điều gì khiến ông tin rằng virus corona mới có thể lây truyền giữa người với người?

- Dựa trên kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức của mình, tôi tin rằng căn bệnh này sẽ là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và chúng ta phải hết sức cảnh giác. Virus sẽ không biến đổi dựa trên ý chí của con người. Tôi cảm thấy chúng ta cần phải tôn trọng nó và hành động theo cơ sở khoa học. Theo yêu cầu của tôi, ICU của bệnh viện Nam Trung đã thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và kết quả là khoa của chúng tôi chỉ có hai ca nhiễm bệnh. Kể từ ngày 28/1, trong số toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện, chỉ có 40 người bị nhiễm bệnh. Đây là tỷ lệ ít hơn nhiều nếu so sánh với các bệnh viện khác trong khu vực.

Chúng tôi đau đớn khi thấy dịch bệnh nCoV phát triển đến trạng thái tuyệt vọng như hiện nay. Nhưng ưu tiên bây giờ của chúng tôi là điều trị cho tất cả bệnh nhân, làm mọi thứ có thể để cứu người.

Dựa trên kinh nghiệm của ông, tình hình dịch bệnh sẽ tiến triển như thế nào?

- Những ngày này tôi dành thời gian vào ban ngày để thăm khám bệnh nhân ở ICU, sau đó thực hiện một số nghiên cứu vào buổi tối. Tôi đã lấy dữ liệu từ 138 trường hợp từ ngày 7/1 đến ngày 28/1 và cố gắng tìm ra đặc điểm của virus này.

Tôi đã quan sát thấy rằng thời gian bùng phát của virus corona mới có xu hướng là ba tuần, từ khi xuất hiện các triệu chứng cho đến khó thở. Về cơ bản, các triệu chứng từ nhẹ tới nặng mất khoảng một tuần. Có tất cả các loại triệu chứng nhẹ: mệt mỏi, khó thở, một số người bị sốt, một số thì không. Dựa trên các nghiên cứu về 138 trường hợp, các triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn đầu là sốt (98,6%), mệt mỏi (69,6%), ho (59,4%), đau cơ (34,8%), khó thở (31,2%), trong khi các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn, nôn.

Nhưng tình trạng của một số bệnh nhân bước vào tuần thứ hai sẽ đột nhiên trở nên tồi tệ hơn. Ở giai đoạn này, mọi người nên đến bệnh viện. Người cao tuổi có thể phát triển các biến chứng; một số có thể cần phải thở bằng máy. Khi các cơ quan khác của cơ thể bắt đầu trở nên suy yếu, đó là khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng, trong khi những người có hệ thống miễn dịch mạnh sẽ thấy các triệu chứng của họ giảm dần ở sau đó tự hồi phục. Vì vậy, tuần thứ hai là những giai đoạn quyết định liệu bệnh tình có trở nên nguy kịch hay không.

Tuần thứ ba xác định liệu bệnh nhân có tử vong hay không. Một số người trong tình trạng nguy kịch được điều trị có thể tăng mức độ tế bào lympho (một loại tế bào bạch cầu) và hệ thống miễn dịch của họ sẽ tự cải thiện, qua đó giúp giảm khả năng tử vong.

Sự sống và cái chết trong phòng cấp cứu ICU ở Vũ Hán ảnh 2

Nhân viên y tế khám cho bệnh nhân bị nhiễm nCoV tại bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Vũ Hán. Ảnh: Reuters

Nhưng những người có số lượng tế bào lympho tiếp tục suy giảm, những người có hệ thống miễn dịch bị phá hủy, sẽ bị suy đa tạng và tử vong. Đối với hầu hết các trường hợp, bệnh tình sẽ giảm dần sau hai tuần, trong khi đối với những người trong tình trạng nghiêm trọng, nếu họ có thể sống sót sau ba tuần, họ sẽ khỏe lại. Còn những người không thể vượt qua giai đoạn này sẽ phải đối mặt với tình huống xấu nhất.

Theo nghiên cứu của ông, có bao nhiêu phần trăm các trường hợp sẽ diễn biến từ điều kiện nhẹ đến nghiêm trọng? Bao nhiêu phần trăm các trường hợp nghiêm trọng sẽ phát triển thành các trường hợp đe dọa tính mạng? Tỷ lệ tử vong là bao nhiêu?

- Dựa trên những quan sát lâm sàng của tôi, căn bệnh này rất dễ lây, nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Những người tiến triển đến giai đoạn đe dọa tính mạng thường xảy ra ở người cao tuổi đã mắc các bệnh mãn tính.

Tính đến ngày 28/1, trong số 138 trường hợp, có 36 người phải điều trị trong ICU, 28 người đã tự hồi phục, chỉ có 5 người chết. Điều đó có nghĩa là, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân có bệnh tình nặng dao động từ 3-4%.

Những người nhập viện thường đang trong tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được cho cách ly tại nhà. Chúng tôi chưa thu thập dữ liệu về tỷ lệ các trường hợp tiến triển từ triệu chứng nhẹ đến nghiêm trọng. Nếu một bệnh nhân đi từ nghiêm trọng đến đe dọa tính mạng, họ sẽ được gửi đến ICU. Trong số 138 bệnh nhân, 36 người đã được chuyển đến ICU, chiếm 26% tổng số bệnh nhân.

Tỷ lệ tử vong trong các trường hợp đe dọa tính mạng là khoảng 15%. Thời gian trung bình để đi biểu hiện nhẹ đến tình trạng đe dọa tính mạng là khoảng 10 ngày. Có 28 bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện. Hiện tại, tỷ lệ phục hồi là 20,3 %, trong khi các bệnh nhân khác vẫn phải nhập viện.

Tính đến ngày 28/1, có 12 trường hợp có liên hệ với khu chợ hải sản, 57 người bị nhiễm bệnh khi đang nhập viện, trong đó có 17 bệnh nhân đã nhập viện ở các khoa khác và 40 nhân viên y tế, trong số 138 trường hợp. Điều đó chứng tỏ rằng bệnh viện là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và phải được bảo vệ thích hợp.

Nguy cơ cao nhất mà bệnh nhân phải đối mặt là gì?

- Virus corona mới sẽ tàn phá hệ miễn dịch của bệnh nhân. Nó gây ra sự sụt giảm số lượng tế bào lympho, gây tổn thương trong phổi khiến khó thở. Nhiều bệnh nhân đã chết vì nghẹt thở. Những người khác chết vì suy đa tạng sau do sự sụp đổ của hệ thống miễn dịch.

Một bệnh nhân 39 tuổi ở Hong Kong bị ngừng tim và cái chết xảy ra nhanh chóng. Một số bệnh nhân không có triệu chứng nghiêm trọng dù nhiễm bệnh hoặc ở giai đoạn đầu, nhưng họ đột ngột qua đời. Một số chuyên gia cho rằng virus gây ra “cơn bão cytokine” hay còn gọi là Hội chứng phóng thích Cytokine, gây tàn phá hệ thống miễn dịch ở người trẻ tuổi. Ông đã thấy hiện tượng nào như vậy trong vụ dịch lần này?

- Dựa trên những quan sát của tôi, khoảng 1/3 bệnh nhân có biểu hiện viêm trong toàn bộ cơ thể họ. Nó không nhất thiết giới hạn ở những người trẻ tuổi. Cơ chế của “cơn bão cytokine” là về tình trạng viêm toàn thân, dẫn đến suy đa tạng và nhanh chóng tiến triển đến giai đoạn cuối. Trong một số trường hợp tiến triển nhanh, phải mất 2 đến 3 ngày để tiến triển từ viêm toàn thân đến giai đoạn đe dọa tính mạng.

Làm thế nào để điều trị các trường hợp nghiêm trọng và đe dọa tính mạng?

- Đối với những trường hợp nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng, phương pháp chính của chúng tôi là cung cấp oxy với khối lượng lớn. Lúc đầu sử dụng phương pháp thở máy không xâm lấn, sau đó tiếp tục đặt nội khí quản nếu tình trạng xấu đi. Đối với các trường hợp đe dọa đến tính mạng, chúng tôi sử dụng Ecmo (oxy hóa bằng màng ngoài cơ thể hoặc bơm máu của bệnh nhân thông qua máy phổi nhân tạo). Trong 4 trường hợp, chúng tôi đã áp dụng Ecmo để cứu bệnh nhân khỏi cái chết.

Hiện tại không có thuốc trị đối với nCoV. Mục đích chính của ICU là giúp bệnh nhân duy trì các chức năng của cơ thể. Bệnh nhân khác nhau có các triệu chứng khác nhau. Trong trường hợp khó thở, chúng tôi đã cung cấp oxy; trong trường hợp suy thận, chúng tôi lọc máu; trong trường hợp hôn mê, chúng tôi triển khai Ecmo. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bất cứ lúc nào bệnh nhân cần để duy trì mạng sống của mình. Một khi số lượng tế bào lympho tăng lên và hệ thống miễn dịch được cải thiện, virus sẽ bị xóa sổ. Tuy nhiên, nếu số lượng tế bào lympho tiếp tục giảm, điều này rất nguy hiểm vì virus sẽ sinh sôi nhanh chóng. Một khi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị phá hủy, thật khó để cứu chữa.

Có tin tức về một số loại thuốc có tác dụng trong điều trị nCoV. Mọi người đang hy vọng về tác dụng của thuốc remdesivir do Mỹ sản xuất, đã chữa khỏi trường hợp đầu tiên ở nước này. Ông nghĩ gì về các loại thuốc sẽ được áp dụng trong tương lai?

- Cho đến nay không có loại thuốc nào đặc trị nCoV. Một số bệnh nhân có thể phục hồi sau khi dùng một số loại thuốc cùng với điều trị hỗ trợ. Nhưng những trường hợp riêng lẻ như vậy không chỉ ra tác dụng phổ quát của thuốc. Hiệu quả cũng liên quan đến mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp và tình trạng sức khỏe cá nhân của họ. Mọi người muốn chữa trị khẩn cấp, đó là điều dễ hiểu. Nhưng chúng ta cần thận trọng.

Ông có lời khuyên nào cho bệnh nhân nhiễm nCoV không?

- Cách tiếp cận hiệu quả nhất đối với đại dịch virus  là kiểm soát nguồn virus, ngăn chặn sự lây lan của chúng và ngăn ngừa lây truyền từ người sang người. Lời khuyên của tôi cho bệnh nhân là phải đến cơ sở y tế để điều trị các bệnh truyền nhiễm, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, kiểm dịch sớm và điều trị sớm. Một khi nó đã phát triển thành trường hợp nghiêm trọng, hãy mau chóng nhập viện. Chữa bệnh ở giai đoạn đầu luôn có hiệu quả cao hơn. Một khi nó đạt đến giai đoạn đe dọa tính mạng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và đòi hỏi nhiều nguồn lực y tế hơn. Liên quan đến các trường hợp đe dọa đến tính mạng, hãy cố gắng cứu họ bằng các biện pháp ICU để giảm tỷ lệ tử vong.

Ông đã điều trị bao nhiêu bệnh nhân bị đe dọa tính mạng? Có bao nhiêu người đã hồi phục?

- Kể từ ngày 4/2, có 6 bệnh nhân trong ICU của bệnh viện Nam Trung đã chết. 80% trong số họ đã dần hồi phục. Bệnh nhân gây ấn tượng với tôi nhất đến từ Hoàng Cương. Anh là người đầu tiên được cứu với sự hỗ trợ của Ecmo. Ông đã liên lạc với thị trường thủy sản Nam Trung Quốc và trong tình trạng rất nghiêm trọng. Anh được xuất viện ngày 28/1.

Khối lượng công việc và tốc độ làm việc của ông hiện như thế nào?

- Công việc trong ICU hiện đã bị quá tải. Kể từ ngày 7/1, khi chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên, cho tới nay không ai nghỉ phép. Chúng tôi thay phiên nhau làm việc. Ngay cả nhân viên y tế mang thai cũng không nghỉ phép. Sau khi dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, không một nhân viên y tế nào trở về nhà. Chúng tôi nghỉ ngơi trong một khách sạn gần bệnh viện hoặc ngay trong trong bệnh viện.

Trong khu vực cách ly, chúng tôi mặc đồ bảo hộ cấp 3. Một ca làm việc kéo dài 12 giờ đối với bác sĩ và 8 giờ đối với y tá. Vì đồ bảo hộ đang thiếu, mỗi người chỉ được cấp một bộ trong ngày nên chúng tôi không ăn uống hay đi vệ sinh trong ca làm việc của mình. Đồ bảo hộ thường rất dày và kín khiến chúng tôi cảm thấy rất bất tiện, nhưng hiện tại ai cũng đã làm quen.

Ông có từng trải qua một khoảnh khắc nguy hiểm? Ví dụ, trong trường hợp đặt nội khí quản, ông làm gì để ngăn mình khỏi bị nhiễm bệnh?

- Đó là một loại virus corona mới. Chúng tôi không chắc chắn về bản chất và con đường lây lan của nó. Sẽ là không đúng nếu nói chúng tôi không sợ. Nhân viên y tế có sợ hãi ở một mức độ nào đó. Nhưng bệnh nhân cần chúng tôi. Khi một bệnh nhân không thở được và phương pháp thở máy không xâm lấn thất bại, chúng tôi phải áp dụng đặt nội khí quản. Thủ tục này nguy hiểm vì bệnh nhân có thể nôn hoặc trớ. Nhân viên y tế có khả năng bị phơi nhiễm rất cao. Chúng tôi đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt các bác sĩ và y tá về việc áp dụng các phương pháp bảo vệ cấp cao nhất. Vấn đề lớn nhất chúng tôi gặp phải bây giờ là thiếu thiết bị bảo vệ. Các đồ bảo vệ cho nhân viên ICU đang cạn kiệt, mặc dù bệnh viện ưu tiên cung cấp cho chúng tôi.

Có điều gì khiến ông cảm động trong thời gian chữa cho các bệnh nhân nCoV hay không?

- Tôi từng khóc vì rất nhiều bệnh nhân không thể nhập viện. Họ khóc lóc trước bệnh viện. Một số bệnh nhân thậm chí quỳ xuống cầu xin tôi cho nhập viện. Nhưng tôi không thể làm gì vì đã hết giường. Hiện tại tôi đã hết nước mắt rồi. Tôi không có suy nghĩ nào khác ngoài việc cố gắng hết sức để cứu nhiều mạng sống hơn.

Điều đáng tiếc nhất với tôi là một phụ nữ mang thai từ Hoàng Cương. Cô ấy ở trong tình trạng rất nghiêm trọng. Gia đình cô đã tiêu tốn 200.000 nhân dân tệ sau hơn một tuần điều trị trong ICU. Cô ấy đến từ nông thôn, và tiền để nhập viện được vay từ người thân và bạn bè. Tình trạng của cô ấy đã được cải thiện sau khi sử dụng phương pháp Ecmo và cô ấy có khả năng sống sót. Nhưng chồng cô ấy quyết định ngừng điều trị do hết tiền. Cả tôi và người chồng đều rơi nước mắt khi nghĩ tới chuyện này bởi cô ấy và con có khả năng được cứu sống. Sau khi cô ấy qua đời một ngày, chính phủ tuyên bố sẽ miễn phí tiền điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV. Tôi rất tiếc cho trường hợp của cô ấy.

Phó khoa của chúng tôi kể rằng trong thời gian được điều động sang Bệnh viện số 7 Vũ Hán. Ông thấy rằng 2/3 nhân viên y tế trong ICU của bệnh viện đã bị nhiễm bệnh. Các bác sĩ ở đó làm việc trong tình trạng hoàn toàn không có đồ bảo hộ. Thế nhưng họ vẫn làm việc ở đó. Đó là lý do tại sao nhân viên y tế của ICU hầu như đều bị ốm. Điều này là quá khắc nghiệt cho các bác sĩ và y tá của chúng tôi.

Theo The Straits Times
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.