Những thói quen không tốt và lặp đi lặp lại
Thời gian vừa qua, nữ Tiktoker (31 tuổi) đã khiến không ít người trong cộng đồng mạng bất ngờ khi tiết lộ bản thân đang mắc bệnh suy thận độ 3B. Được biết đây là một trong những hot Tiktoker được nhiều người yêu mến bởi sự tươi trẻ, hài hước và luôn mang đến năng lượng tích cực cho người xem.
Bệnh nhân điều trị tại khoa Thận - Bệnh viện Q7 - TP.HCM. |
Cũng như nữ Tiktoker trên, anh N.T.C. (27 tuổi) hiện đang làm nhân viên kế toán của một công ty xuất nhập khẩu tại TP.HCM cho biết, đợt tết vừa rồi anh về quê thăm nhà thì thấy cơ thể thường xuyên bị chóng mặt, ăn uống không ngon miệng, cơ thể phù nề và ngứa toàn thân, trong khi trước đó cơ thể không có biểu hiện gì khác lạ.
Vậy nên, ban đầu anh nghĩ mình bị dị ứng thức ăn hoặc cơ thể bị cảm sốt do thời tiết . Thế nhưng, tình trạng sau đó càng lúc càng nặng hơn nên gia đình buộc anh phải nhập viện cấp cứu, lúc này huyết áp anh tăng rất cao, dao động từ 180 mmHg đến 210 mmHg nên gia đình quyết định cho anh nhập viện.
Sau khi thăm khám và làm các thủ tục xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán anh C. bị suy thận giai đoạn 4. Đây là giai đoạn có biểu hiện lâm sàng khá rõ ràng do thận đã bị suy giảm chức năng lọc máu. Theo các tài liệu về y khoa thì ở giai đoạn này nếu người bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì có thể gặp một số các biến chứng nguy hiểm như suy tim, huyết áp tăng, đau quặn hông, phù nội tạng, đái tháo đường.
Còn với trường hợp bé T.M.K. (3 tuổi, ngụ Bình Dương) khi đang chơi đùa trong nhà thì bé bị sưng phù mắt và tay chân. Mẹ của bé lầm tưởng con mình bị côn trùng cắn nên ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho con uống và thoa nhưng không bớt. Sau đó, bé bị tiểu nhiều và nước tiểu có máu nên gia đình vội vàng đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện Bình Dân (TP. HCM). Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị suy thận cấp tính, vợ chồng chị nhìn nhau bàng hoàng vì không nghĩ con mình lại bị bệnh nặng đến vậy.
TS.BS CKII Nguyễn Thế Vũ – Giám đốc bệnh viện quận 7 – TP. HCM chia sẻ, suy thận mạn (Bệnh thận mạn) là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính, có diễn tiến từ từ, không hồi phục, không đảm bảo các nhiệm vụ của mình, và gây ảnh hưởng đến hoạt động toàn cơ thể. Theo ước tính tại Việt Nam có hơn 10 triệu người suy thận ở các giai đoạn và khoảng 800 ngàn người suy thận mạn giai đoạn cuối cần lọc máu, điều trị thay thế thận.
Theo ước tính tại Việt Nam có hơn 10 triệu người suy thận ở các giai đoạn và khoảng 800 ngàn người suy thận mạn giai đoạn cuối. |
Những dấu hiệu báo động nguy cấp
Đáng báo động, tình trạng suy thận hiện nay đang dần trẻ hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm thần, thậm chí là tử vong. Hiện nay, bệnh viện Quận 7 đang quản lý điều trị 98 ca bệnh thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo định kỳ (trong đó có 17 ca dưới 40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh chỉ trong độ tuổi 26-30 tuổi).
Ngoài ra, bệnh viện còn quản lý, điều trị cho 222 trường hợp bệnh thận mạn từ giai đoạn 4 trở xuống. Nguyên nhân gây suy thận thường do tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận mạn tính, viêm ống thận mô kẽ, viêm nhiễm hệ niệu mạn tính, do gen...
Tuy nhiên, ở người trẻ tuổi còn do lối sống không lành mạnh như thói quen sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều muối và dầu mỡ, ít vận động, béo phì, dùng thuốc giảm cân không theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người trẻ ít quan tâm đến sức khỏe nên không khám sức khỏe định kì hay một số trường hợp phát hiện bệnh sớm nhưng chủ quan, không tuân thủ điều trị.
Trong khi bệnh suy thận diễn tiến âm thầm và lặng lẽ đến khi đến giai đoạn cuối mới bắt đầu có triệu chứng, tình cờ phát hiện qua xét nghiệm máu, nước tiểu. Triệu chứng suy thận ở người trẻ cũng biểu hiện không khác ở người lớn tuổi. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm 2-3 lần, mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân. Đến giai đoạn toàn phát bệnh sẽ biểu hiện rõ các triệu chứng như tăng huyết áp (đau đầu), thừa nước gây phù mi mắt, tay chân, thiếu máu gây mệt, khó thở.
Theo Bác sĩ Vũ, việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh thận hoàn toàn dựa vào các xét nghiệm như xét nghiệm máu đánh giá chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu tìm đạm niệu, hồng cầu niệu, siêu âm hệ niệu đánh giá hình thái, cấu trúc thận. Các xét nghiệm này đều thực hiện được ở các bệnh viện tuyến Quận, huyện.
Tỷ lệ người trẻ mắc suy thận ngày càng tăng. |
Để phòng ngừa bệnh suy thận thì những người trẻ tuổi cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn 30-45 phút/ngày, 3 lần/tuần, thay đổi thói quen ăn uống, tránh thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều muối, nhiều dầu mỡ, đạm động vật. Đồng thời uống đủ nước (khoảng 2 lít nước/ngày), tăng cường rau xanh, trái cây. Cần khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng/lần, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao như trong gia đình có người mắc bệnh thận mạn sớm (dưới 50 tuổi), tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì…
Bác sĩ Nguyễn Đức Sự - Bệnh viện Thống Nhất phân tích, suy thận cấp được chia ra 3 loại, gồm: suy thận cấp trước thận, suy thận cấp tại thận và sau cùng là suy thận cấp sau thận. Nguyên nhân do mất máu, mất dịch như nôn ói, tiêu chảy, sốt cao, phỏng nặng, ra nhiều mồ hôi mà không cung cấp đủ nước,viêm cầu thận cấp, hoại tử ống thận, bẩm sinh…
Bác sĩ Sự khuyến cáo, người dân muốn phòng tránh cần dựa vào nguyên nhân như: uống đủ nước, bù đủ nước dịch truyền khi bị sốt cao, tiêu chảy nôn ói, dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, khám bệnh định kỳ, siêu âm đường tiết niệu phát hiện sỏi, khối U để điều trị kịp thời.
Tình trạng suy thận ngày càng tăng nên không kịp đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, mặc dù hệ thống cơ sở y tế đã phát triển hơn rất nhiều. |
Bệnh nhân suy thận tăng, bệnh viện quá tải
Ghi nhận tại một số bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, Lê Văn Thịnh và Thống Nhất, mỗi ngày số lượng bệnh nhân tới chạy thận rất đông, phải xếp hàng chờ đợi. Theo TS.BS Nguyễn Bách – Trưởng khoa Nội Thận – Bệnh viện Thống nhất cho biết, khoa Nội Thận của bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Trong đó, có nhiều bệnh nhân phải chờ đợi lâu mới tới lượt vì chỉ có 45 máy lọc máu cho gần 200 người/ ngày.
Bác sĩ Bách chia sẻ thêm: “Tình trạng suy thận ngày càng tăng nên không kịp đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, mặc dù hệ thống cơ sở y tế đã phát triển hơn rất nhiều, đồng thời đội ngũ y, bác sĩ đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Vậy nên, bác sĩ khuyến khích người dân cần chú trọng về các thói quen có lợi cho sức khoẻ như chăm vận động và chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế để lo âu, căng thẳng.