Tác động của xung đột Ukraine tới châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đã bắt đầu lan rộng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là sau khi Tổng thống Vladimir Putin triển khai "lực lượng gìn giữ hòa bình" của Nga ở khu vực Donbas.
Tác động của xung đột Ukraine tới châu Á

Điều có thể nhìn thấy rõ nhất, đó là các bước đi của ông Putin cho tới nay đã tạo ra một loạt các biện pháp trừng phạt áp đặt lên các thành phần quan trọng của nền kinh tế Nga.

Quốc gia này có thể sẽ bị tách khỏi hệ thống Viễn thông tài chính liên ngân hàng của Hiệp hội Toàn cầu, thường được gọi là hệ thống SWIFT, đối mặt với việc hạn chế quyền tiếp cận thị trường vốn quốc tế, trong khi các công ty năng lượng và tài chính của Nga bị cấm cửa giao dịch với phương Tây.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt cũng nhắm vào các nhà tài phiệt và quan chức cấp cao trong chính phủ Nga, tài sản của những cá nhân này cùng gia đình tại Mỹ, châu Âu,...sẽ bị đóng băng. Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vừa nhắm vào đủ rộng để gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, vừa được cụ thể hóa nhắm vào các cá nhân nhất định.

Để hiểu được tác động của làn sóng trừng phạt này, chỉ cần nhìn sang Iran, nền kinh tế của quốc gia này đã bị suy giảm 60% sau khi hứng chịu hàng loạt các biện pháp cấm vận từ phương Tây.

Có thể tác động của đợt trừng phạt mới nhất tới nền kinh tế Nga sẽ bị giảm nhẹ, bởi chính quyền Tổng thống Putin nhiều khả năng đã tích trữ nguồn lực để chuẩn bị cho tình thế này, sau khi Nga bị trừng phạt do sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Nga vẫn sẽ bị thu hẹp đáng kể. Đối với các quốc gia châu Á có quan hệ thương mại quan trọng với Nga, điều này sẽ có tác động ngày càng tăng theo thời gian khi nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Phương Tây cũng có thể sẽ cắt giảm xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm vi mạch và bất kỳ thiết bị nào có chứa vi mạch. Điều này sẽ không chỉ tác động đến người tiêu dùng Nga, mà việc mất thị trường Nga sẽ làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm đó, cuối cùng chính các quốc gia sản xuất sẽ cảm nhận được thiệt hại kinh tế nếu họ phụ thuộc vào việc bán hàng cho Nga.

Nhiều khả năng, Trung Quốc cũng sẽ rơi vào vị thế bất lợi sau khi chọn đứng về phía Nga trong cuộc khủng hoảng tại Đông Âu. Trong tính toán của Tổng thống Nga Putin, Bắc Kinh sẽ là "hầm trú ẩn" để né các lệnh trừng phạt quốc tế.

Moscow sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn của Trung Quốc và thông qua nước này để các công ty hoặc ngân hàng của Nga có thể tự do thực hiện các giao dịch tài chính dù đã bị cấm khỏi hệ thống SWIFT. Dù muốn hay không, thì Trung Quốc cũng sẽ phải cung cấp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế Nga bởi áp lực từ phía Tổng thống Putin.

Về thị trường năng lượng, giá khí đốt và giá dầu sẽ phải đối mặt với áp lực tăng. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phát triển hiện đang trải qua tình trạng lạm phát gia tăng, điều này sẽ khiến nền sản xuất toàn cầu suy giảm và kéo chậm đà tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á.

Về mặt địa chính trị, việc khủng hoảng tại Ukraine sẽ khiến một số quốc gia châu Á phải lựa chọn đứng về phe nào. Mỹ sẽ gây áp lực đáng kể lên Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore để lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Cho đến nay, các quốc gia châu Á trên đều đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Mỹ và tiến hành các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

Đối với Ấn Độ, cuộc khủng hoảng Ukraine đặt nước này vào một tình thế khó xử. Trong khi Ấn Độ lên án sự xâm lấn của Trung Quốc ở dãy Himalaya và luôn có căng thẳng với Pakistan về các vấn đề lãnh thổ ở khu vực Kashmir, chính quyền Dehli cũng có quan hệ chiến lược chặt chẽ với Moscow. Ví dụ, gần 70% khí tài quân sự của Ấn Độ được nhập khẩu từ Nga.

Chính phủ Ấn Độ sẽ cố gắng không nghiêng về bên nào và kêu gọi giảm leo thang, đàm phán và tránh một cuộc chiến toàn diện, nhưng nước này sẽ không đứng ra lên án Nga gay gắt như cách mà Mỹ, châu Âu và Nhật Bản muốn thấy.

Quay trở lại với Trung Quốc, chắc chắn các động thái mới nhất của Nga tại Ukraine sẽ có tác động hệ trọng tới quan hệ của Bắc Kinh với Washington.

Cho đến nay, Trung Quốc đã đưa ra các quan điểm khác nhau. Một mặt nước này đứng về phía Nga phản đối sự mở rộng của NATO, mặt khác lại kêu gọi các bên liên quan ưu tiên đàm phán ngoại giao thay vì xung đột.

Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ chỉ hỗ trợ Nga về mặt kinh tế thay vì quân sự, việc này sẽ buộc phương Tây phải áp đặt các biện pháp trừng phạt tối thiểu cần thiết để giảm tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối mùa thu năm nay, chính quyền Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn duy trì một bầu không khí yên bình để giải quyết các vấn đề hệ trọng trong nước.

Thậm chí, có thể thấy cuộc khủng hoảng Ukraine tạo ra một chút tác động lên quan hệ Mỹ-Trung. Trớ trêu thay, so với các hành vi của Nga, những động thái gần đây Trung Quốc lại trở nên có chừng mực hơn trong mắt các nhà lãnh đạo Mỹ.

Và nếu Trung Quốc đóng vai trò hữu ích trong việc thúc đẩy Nga trở lại đàm phán, thì Mỹ sẽ rất hoan nghênh. Cách tiếp cận đó là điều mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang âm thầm thảo luận với các đối tác ở Bắc Kinh.

Đứng trên quan điểm của Mỹ, cuộc khủng hoảng tại Ukraine là cơ hội để củng cố mối liên kết với các đồng minh lâu năm tại châu Á. Ngoài ra, nó cũng sẽ tạo ra dịp để Mỹ và Trung Quốc có cơ hội đối thoại, cũng như chia sẻ lợi ích chung trong việc xoa dịu nền kinh tế quốc tế. Sự cạnh tranh cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục về mặt chiến lược, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể cung cấp một khoảng thời gian nghỉ giải lao cần thiết.

Bài viết thể hiện quan điểm của Đô đốc James Stavridis - tư lệnh đồng minh tối cao thứ 16 của NATO và là hiệu trưởng của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ).

Theo Nikkei Asia
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.